Cập nhật dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2022

Đăng ngày: 18/07/2022 , 17:59 GMT+7

Ngày 15/7/2022, với sự hỗ trợ của Chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”.

Báo cáo nhằm: (i) Cập nhật, phân tích, đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô trong sáu tháng đầu năm 2022 kèm theo những phân tích và nhận định đa chiều của các chuyên gia và của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương; (ii) Cập nhật đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô cho cả năm 2022; (iii) Phân tích cụ thể yêu cầu nâng cao năng suất lao động và phục hồi xanh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay; và (iv) Kiến nghị một số định hướng đổi mới kinh tế (bao gồm cả thể chế kinh tế) và giải pháp chính sách cho điều hành kinh tế vĩ mô trong sáu tháng còn lại của năm 2022 và các năm tiếp theo.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, trong những tháng đầu năm, các biện pháp hạn chế xuất nhập cảnh dần được gỡ bỏ nhờ đó Việt Nam đã có nhiều điều kiện tích cực hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế trong 6 tháng đầu năm và làm tiền đề cho sự phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm 2022. Theo chỉ số phục hồi của Nikkei, Việt Nam đã cải thiện chỉ số xếp hạng lên vị trí thứ 2, con số đã thể hiện rằng kinh tế VN đã phục hồi tích cực. Nhờ chính sách của Chính phủ, Việt Nam đã giữ vững nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của kinh tế. Chính phủ duy trì đà cải cách, tạo không gian phát triển kinh tế cho doanh nghiệp và nhân dân.

Sau hơn hai năm kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến đà phục hồi, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng trở nên kém tích cực hơn. Xung đột Nga-Ucraina đã có những ảnh hưởng sâu rộng, kéo dài ở bình diện toàn cầu đối với giá cả hàng hóa cơ bản, chuỗi cung ứng, an ninh lương thực và an ninh năng lượng...

Từ đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Cùng với việc kiểm soát tốt dịch COVID-19, tỷ lệ bao phủ vắc xin được cải thiện và số ca nhiễm liên tục giảm, các biện pháp hạn chế đối với xuất nhập cảnh đã dần được dỡ bỏ. Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, và nhấn mạnh ưu tiên cho ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Chính phủ, các bộ ngành tiếp tục đề ra và tập trung thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Hỗ trợ người lao động và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng là một ưu tiên quan trọng nhằm giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện cho quá trình thích ứng với bối cảnh làm việc mới.

Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022, và 7,72% trong quý II/2022, tốc độ tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: (1) khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể COVID-19 và các dịch bệnh mới; (2) tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; (3) duy trì ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng quan trọng, để giúp ổn định tâm lý thị trường và “neo” kỳ vọng lạm phát; (4) khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại-công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD, v.v.; (5) khả năng tạo thêm cơ hội và kỹ năng cho lao động nữ, qua đó giúp tận dụng tiềm năng từ nhóm lao động này, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.

Báo cáo đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo Kịch bản 1, và 6,9% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong Kịch bản 1 và tăng 16,3% trong Kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững” nhấn mạnh lại thông điệp cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và phục hồi xanh, gắn với củng cố ổn định kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.

PV.

Đăng ngày: 18/07/2022 , 17:59 GMT+7

Tin liên quan