Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết: Chỉ trong một ứng dụng ngân hàng, người dùng có thể không chỉ giao dịch tài chính mà còn thực hiện nhiều tiện ích khác như đặt vé máy bay, tra cứu phương thức di chuyển, thanh toán hóa đơn... Điều này thể hiện mức độ kết nối, tích hợp giữa ngân hàng và các lĩnh vực khác như vận tải, du lịch, thương mại... đang ở mức rất cao.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng đang thích nghi nhanh chóng với sự xuất hiện và ứng dụng mạnh mẽ của các công nghệ mới như tài sản ảo, hợp đồng thông minh, chữ ký điện tử… Những công nghệ này từng bước thay đổi thói quen và phương pháp xử lý nghiệp vụ trong toàn hệ thống ngân hàng.
Không chỉ đổi mới ở góc độ dịch vụ, các ngân hàng hiện nay còn xác định rủi ro công nghệ thông tin là một rủi ro trọng yếu, tương đương với rủi ro tín dụng. Từ đó, nhiều ngân hàng đã xây dựng và triển khai hệ thống quản lý rủi ro công nghệ riêng biệt. Trong bối cảnh rủi ro không gian mạng ngày càng tinh vi và phức tạp, cách tiếp cận quản lý rủi ro công nghệ đòi hỏi tư duy mới, tập trung cao độ vào việc bảo đảm an ninh và an toàn thông tin. Điều này buộc ngành Ngân hàng phải tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ theo hướng ứng dụng công nghệ thông minh và linh hoạt.
Do đó, người làm ngân hàng trong giai đoạn hiện nay không chỉ cần am hiểu nghiệp vụ truyền thống mà còn phải thành thạo kỹ năng công nghệ. 2 kỹ năng này cần song hành để có thể thiết kế và triển khai quy trình nghiệp vụ số. Ngân hàng nào không đáp ứng được yêu cầu này sẽ gặp khó khăn trong cuộc cạnh tranh chuyển đổi số, từ đó từng bước hình thành một lực lượng nhân sự mới cho toàn ngành.
Từ những thay đổi đó, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng cũng được ưu tiên đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hiện xử lý bình quân khoảng 820 nghìn tỷ đồng mỗi ngày. Trong khi đó, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử ghi nhận khoảng 26 triệu giao dịch mỗi ngày.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay đã có gần 87% người trưởng thành tại Việt Nam sở hữu tài khoản ngân hàng. Giá trị giao dịch không dùng tiền mặt hiện nay đã gấp 25 lần GDP. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2025, giao dịch không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh, trong đó giao dịch qua mã QR tăng hơn 78% về số lượng và tăng hơn 216% về giá trị. Đáng chú ý, hầu hết dịch vụ ngân hàng cơ bản hiện nay đều đã được thực hiện trên nền tảng số, với tỷ lệ số hóa giao dịch ở nhiều ngân hàng đạt mức 95%.
Bên cạnh đó, nhiều nghiệp vụ quan trọng như tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở tài khoản, phát hành thẻ, chuyển tiền, cho vay… đã được số hóa hoàn toàn. Nhờ đó, hệ sinh thái số và thanh toán số của ngành Ngân hàng đã được thiết lập, tạo kết nối chặt chẽ với nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế, từ đó mang lại trải nghiệm liền mạch, thuận tiện cho khách hàng.
Dù đạt được những kết quả tích cực, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định "chưa bao giờ ngành Ngân hàng khát nhân lực công nghệ như hiện nay".
Áp lực càng gia tăng khi các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), blockchain và điện toán đám mây (Cloud) đang làm thay đổi toàn diện phương thức vận hành của các ngân hàng. Ví dụ, công nghệ blockchain thay đổi cách lưu trữ dữ liệu, tăng cường bảo mật, đồng thời giảm thiểu chi phí vận hành. Trong khi đó, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) đã thay thế hàng loạt vị trí truyền thống như giao dịch viên, nhân viên kiểm soát nội bộ hay thẩm định tín dụng.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "AI, blockchain không còn là xu hướng, mà là nền tảng của một thời đại mới". Tuy vậy, ông Nghĩa cho rằng, quyết định then chốt vẫn là con người. "Nhật Bản, Hàn Quốc thành công không phải vì tài nguyên, thể chế hay văn hóa, mà vì họ thu hút và trân trọng nhân tài", ông Nghĩa nhấn mạnh. Ông Nghĩa đề xuất Việt Nam cần có chương trình học bổng Fintech, xây dựng các phòng lab thực hành AI, blockchain, đồng thời nới lỏng rào cản mở ngành đào tạo mới.
PV