Hướng dẫn của ASEAN về các điều khoản không công bằng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng

Đăng ngày: 26/08/2024 , 16:48 GMT+7

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, vừa qua, Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng ASEAN (ACCP) phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) xây dựng Hướng dẫn của ASEAN về các điều khoản không công bằng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng (Hướng dẫn).

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ người tiêu dùng tại ASEAN” (PROTECT) do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ) tài trợ.

Hướng dẫn của ASEAN được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, thực tiễn tốt, quá trình phát triển pháp luật hiện nay, cũng như các phương pháp thực thi pháp luật tại các quốc gia trên thế giới nhằm hỗ trợ cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tại các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thực thi và áp dụng chính sách, pháp luật để kiểm soát và điều chỉnh (nếu cần) các điều khoản không công bằng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng. Hướng dẫn cũng là công cụ hỗ trợ các nước thành viên nâng cao hiệu quả và thúc đẩy các hành động bảo vệ người tiêu dùng phù hợp với tầm nhìn chung về hợp tác và hội nhập chính sách trong ASEAN.

Ngày nay, trong nền kinh tế kỹ thuật số, các giao dịch tiêu dùng trong khu vực ASEAN là mối quan tâm chính đối với cả người mua và người bán. Với sự phát triển không ngừng của các công cụ và công nghệ trực tuyến, người mua và người bán có thể tiếp cận và lựa chọn nhiều phương thức tương tác mới, nhanh hơn, hiện đại hơn. Các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi giúp người bán hoặc nhà cung cấp và người tiêu dùng giao dịch hiệu quả và tiết kiệm chi phí hơn. Các hợp đồng này cho phép người bán hoặc nhà cung cấp tự mình chuẩn bị mẫu sẵn với các điều khoản và điều kiện cung cấp hàng hóa, dịch vụ mà không cần phải đàm phán trước với người tiêu dùng. Mặc dù việc sử dụng hợp đồng theo mẫu trong tất cả các giao dịch với người tiêu dùng không phạm pháp, các cơ quan có thẩm quyền có thể ban hành quy định pháp luật về các điều khoản không công bằng hoặc gây bất lợi cho người tiêu dùng trong hợp đồng khi tham gia giao dịch. Trường hợp phát hiện thấy các điều khoản không công bằng trong hợp đồng, người bán hoặc nhà cung cấp có thể không được thực hiện giao dịch và có thể dẫn đến hành động pháp lý của các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.

Hướng dẫn trên nêu rõ các điều khoản và nguyên tắc chính, đưa ra định nghĩa về các điều khoản công bằng trong hợp đồng, yêu cầu cụ thể về tính rõ ràng, dễ hiểu, tính tuân thủ về nội dung và các cách thức thực hiện giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Ngoài ra, Hướng dẫn của ASEAN còn đưa ra các đề xuất để các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng hợp tác với các đơn vị có liên quan, cụ thể như cơ quan cạnh tranh, các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng, hiệp hội ngành nghề kinh doanh… để cùng chia sẻ trách nhiệm và nguồn lực trong hoạt động bảo vệ người tiêu dùng trước các điều khoản không công bằng.

Người tiêu dùng có thể truy cập Hướng dẫn chi tiết tại đây

Việc xây dựng Hướng dẫn của ASEAN về các điều khoản không công bằng trong hợp đồng giao kết với người tiêu dùng là một phần của Kế hoạch Hành động Chiến lược ASEAN về Bảo vệ người tiêu dùng (ASAPCP) 2025. Để biết thêm thông tin về các hoạt động của ASEAN trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể truy cập trang web của ACCP: www.aseanconsumer.org .

PV.

 

Đăng ngày: 26/08/2024 , 16:48 GMT+7

Tin liên quan