Thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 1212/QĐ-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương thành lập Tổ Soạn thảo Thông tư quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu (là đơn vị đầu mối chủ trì thuộc Bộ) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Dự thảo Thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Các phương pháp xác định xuất xứ chủ yếu của thế giới như xuất xứ thuần túy (WO), hàm lượng giá trị khu vực (RVC) hay chuyển đổi mã sản phẩm theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa (Hệ thống HS) của Tổ chức Hải quan Thế giới đều được tham khảo và điều chỉnh để áp dụng phù hợp tại Thông tư.
Dự thảo Thông tư quy định 5 nguyên tắc xác định và thể hiện hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nguyên tắc tổ chức, cá nhân căn cứ các quy định của Thông tư để tự xác định và tự chịu trách nhiệm khi xác định hàng hóa của mình là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam. Trường hợp không xác định được hàng hóa là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam theo quy định tại Thông tư thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Về nguyên tắc, Thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Thông tư chỉ giúp các tổ chức, cá nhân có căn cứ để thực hiện đúng yêu cầu của Nghị định số 43 và Nghị định số 111, giúp loại bỏ các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ. Các doanh nghiệp chân chính sẽ không phải đối diện với nguy cơ cáo buộc "gian lận xuất xứ", tránh được rủi ro kiện tụng và mất uy tín với người tiêu dùng. Ngoài ra, kết hợp với việc thực thi nghiêm túc Nghị định số 43 tại cửa khẩu, Thông tư cũng sẽ giúp loại bỏ dần tình trạng hàng nhập khẩu nhập nhèm "đội lốt" hàng Việt Nam như đã rải rác xảy ra trong thời gian qua. Dự thảo Thông tư không quy định bất kỳ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và doanh nghiệp phải tuân thủ.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2015), được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (2020), để đảm bảo quy trình lấy ý kiến công khai góp ý của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương xin gửi Dự thảo Thông tư và Báo cáo đánh giá tác động của chính sách tại dự thảo Thông tư để quý cơ quan, tổ chức, cá nhân biết và tham gia ý kiến.
Văn bản góp ý xin gửi về Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, 54 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội (Chi tiết xin liên hệ bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương. Điện thoại: 024 2220 5432. Email: nhungdh@moit.gov.vn)
Chi tiết xem tại đây.
Nguồn: Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương