Cụ thể, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp:
+ Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này;
+ Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật;
+ Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật;
+ Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật;
+ Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.
Thông qua nội dung Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nội dung dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân; giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
PV.