Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan Khu trưng bày
Ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử để định danh - xác thực điện tử trong ký kết Hợp đồng điện tử phục vụ Thương mại điện tử là một giải pháp tiện ích giúp người tham gia ký kết Hợp đồng điện tử sau khi hoàn thiện các nội dung ký sẽ phải xác minh danh tính người ký Hợp đồng điện tử thông qua ứng dụng chip điện tử trên thẻ CCCD để đảm bảo xác minh thẻ thật và thông tin, sinh trắc học được lưu trữ trong chip điện tử.
Theo Công điện 889/CĐ-TTg mới đây của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong đó có Bộ Công Thương, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để nghiên cứu sử dụng định danh xác thực điện tử trong các giao dịch thương mại điện tử; gắn định danh điện tử với mã số thuế để quản lý thống nhất định danh công dân trên toàn bộ các hệ thống của ngành thuế theo mã định danh công dân… để tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử.Nếu như trước đây thông tin của cá nhân, doanh nghiệp phải làm thủ công, giấy tờ hoặc xác minh danh tính công dân không đảm bảo chính xác, thì nay với giải pháp ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử để xác thực danh tính chủ thể giao kết hợp đồng điện tử trên Trục phát triển hợp đống điện tử Việt Nam do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an cung cấp, người dân và doanh nghiệp sẽ đảm bảo được việc quản lý, truy thu thuế theo Công điện số 889 của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là ngày càng thúc đẩy Thương mại điện tử trong công tác quản lý, điều hành.
Tại Khu trưng bày, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Trung tâm Tin học và Công nghệ số) phối hợp với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT) cũng đã trình bày, giới thiệu các tiện ích của việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip để định danh - xác thực điện tử trong việc ký Hợp đồng điện tử giữa các bên cho Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị.
Việc ứng dụng thẻ CCCD gắn chip định danh - xác thực điện tử trong hoạt động ký kết Hợp đồng điện tử giúp Bộ Công Thương thuận tiện hơn khi triển khai Trục Hợp đồng điện tử Việt Nam trong việc hỗ trợ các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử Việt Nam định danh - xác thực điện tử chủ thể ký kết hợp đồng điện tử. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ Hợp đồng điện tử cũng có thể hoàn toàn yên tâm để cung cấp dịch vụ về hợp đồng điện tử cho các tổ chức, cá nhân. Điều này phù hợp với tính pháp lý do Bộ Công Thương quy định là người ký phải được xác thực danh tính gốc từ Bộ Công an.
Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam được tích hợp giải pháp xác thực thẻ CCCD gắn chip điện tử có yếu tố sinh trắc học để xác minh danh tính người ký giao kết hợp đồng điện tử thực hiện trên ứng dụng của FPT đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hoàn tất các quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả và giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp.
Khu Triển lãm trưng bày các sản phẩm, ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư của Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư trong thời gian tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc năm 2022 đã thể hiện sự tiên phong, đi đầu của lực lượng công an việc ứng dụng dữ liệu dân cư, CCCD gắn chip trong công tác quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử.
Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức. Đây là sự quyết tâm nỗ lực, khắc phục khó khăn, không quản ngày đêm của lực lượng cảnh sát, sự đồng lòng của nhân dân và sự đồng hành cùng các cơ quan chức năng trong đó có Bộ Công Thương để cùng với lực lượng cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao.
Thực hiện Quyết định 645/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình phát triển Thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025”, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam được Bộ Công Thương giao Cục thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì nghiên cứu, xây dựng, vận hành nhằm hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… trong việc kiểm tra xử lý tập trung thông tin hợp đồng của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức trong thương mại. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài thương mại, các cơ quan giải quyết tranh chấp; các nhà cung cấp dịch hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; các tổ chức chứng thực chữ ký số, dấu thời gian; và các Tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng hợp đồng điện tử… nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tối ưu hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam. Với mục tiêu duy nhất là thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam, xây dựng hạ tầng thúc đẩy thương mại điện tử an toàn, nhanh chóng, tiện lợi, bảo mật, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Thủ tướng Chính phủ. |
PV.