Công tác phòng chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực sản xuất trên địa bàn Hà Nội

Đăng ngày: 15/08/2022 , 14:59 GMT+7

Theo Sở Công Thương Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh COVID-19 qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thủ đô. Kết quả sản xuất công nghiệp thương mại tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.

Dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều ảnh hưởng nặng nền đến các nền  kinh tế trên toàn thế giới, mặc dù dịch bệnh đã dần được kiểm soát nhưng những hậu quả của nó đối với nền kinh tế vẫn còn đang hiện hữu. Bên cạnh đó, xung đột giữa Nga và Ukraine cũng tạo ra những biến động và ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế xã hội Việt Nam. Đặc biệt, giá cả các mặt hàng nhiên liệu, nguyên vật liệu tăng cao đã ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp.

Với những nỗ lực của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, các Bộ ngành trung ương và địa phương, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên cả nước đã được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước đã hồi phục tích cực. Trên địa bàn Thủ đô, cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn, Thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa. Sáu tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước (6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,7%).

Về thương mại, khu vực dịch vụ có nhiều tín hiệu khởi sắc khi Thành phố cùng doanh nghiệp triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa trở lại các hoạt động kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải… trong trạng thái bình thường mới. Ngành du lịch chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022 với nhiều sự kiện nổi bật như Sea Games 31, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức đã góp phần tạo đà phục hồi tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của Thành phố đạt 336 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,2%).

Hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội tiếp tục có sự tăng trưởng về thị trường và giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,1% so cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 4,5%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,6 tỷ USD, tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 tỷ USD, tăng 16,6%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 20,5 tỷ USD, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ tăng 21,1%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 16,8 tỷ USD, tăng 31,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 3,7 tỷ USD, tăng 1%.

Có được những kết quả đó, ngành Công thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã liên quan trong việc phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tích cực phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, Thành phố trong lĩnh vực công thương. Đặc biệt là chủ động ban hành các phương án, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn, đảm bảo an toàn sản xuất dinh doanh và cung cấp nhu yếu phẩm cho nhân dân.

Ngành Công thương Hà Nội đã phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Kế hoạch số 243/KH-UBND ngày 29/10/2021 của UBND Thành phố về thực hiện quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 21/3/2022 của UBND Thành phố về Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP Ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn Thành phố, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên rà soát nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; tình hình triển khai các phương án phòng chống dịch; nắm bắt khó khăn về nguồn cung lao động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong trường hợp có nhiều công nhân bị mắc F0 và F1. Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành văn bản số 1291/SCT-QLTM ngày 08/4/2022 gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc điều chỉnh một số biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong tình hình mới trên địa bàn theo kế hoạch của UBND Thành phố Hà Nội.

Phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn các hệ thống phân phối vừa đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục nhân dân. Tình hình cung ứng hàng hóa trên địa bàn Thành phố ổn định, các quận, huyện chủ động đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho các khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Nguồn cung hàng hóa tại các hệ thống phân phối (siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi…) dồi dào, đáp ứng nhu cầu của người dân. Giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại các hệ thống phân phối (chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi…) nhìn chung ổn định..        

Sở thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh, giao nhận, vận chuyển hàng hóa, các tiêu chí an toàn trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và thực hiện quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, nhà hàng theo Quyết định số 5619/QĐ-SCT ngày 07/12/2021 của Bộ Y tế.

Trong thời gian tới, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn duy trì và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục bám sát việc triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước cho phục hồi kinh tế trên địa bàn và tiếp tục đẩy mạnh chương trình phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, Sở đôn đốc các đơn vị nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý kinh doanh… xây dựng kế hoạch sản xuất bảo đảm nguyên tắc “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”, “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng. Bên cạnh đó, Sở Công Thương được Thành phố giao tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng công nghiệp, thương mại, khởi công các cụm công nghiệp, công trình điện trọng điểm phục vụ sản xuất… tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh./.

PV.

 

Đăng ngày: 15/08/2022 , 14:59 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác