Thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng

Đăng ngày: 31/08/2023 , 21:19 GMT+7

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1009/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP).

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Mục tiêu tổng quát của Đề án là triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; phát triển ngành năng lượng hài hoà giữa các phân ngành với hạ tầng đồng bộ, thông minh trên cơ sở bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các mục tiêu phát triển, đảm bảo công bằng trong chuyển đổi năng lượng.

Tiếp nhận và sử dụng hiệu quả sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong chuyển giao công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, cung cấp tài chính cho việc thực hiện Tuyên bố JETP, góp phần thực hiện định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, thực hiện Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030 xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân tham gia quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP (Kế hoạch huy động nguồn lực) và triển khai các dự án thí điểm thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng. Triển khai thực hiện Kế hoạch huy động nguồn lực với hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ của quốc tế nhằm thúc đẩy chuyển đổi nhiệt điện than và sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch; phát triển các loại hình năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh…).

Nâng cấp, xây dựng hạ tầng sản xuất, truyền tải, tích trữ, phân phối, điều hành điện thông minh, tiên tiến, hiện đại, có khả năng tích hợp quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo; tăng cường điện khí hóa, phát triển nguồn nhân lực; từng bước làm chủ công nghệ hiện đại, tiến tới sản xuất được các thiết bị phục vụ phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo; nâng cao năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến.

Phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, nhất là công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, thiết bị lưu trữ điện năng, thu hồi, hấp thụ, lưu trữ và sử dụng CO2; thúc đẩy sản xuất hydro xanh, amoniac xanh... Phấn đấu đến 2030 hình thành 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Đàm phán việc dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than chậm tiến độ

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch.

Cụ thể, đàm phán việc dừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông và thu xếp vốn; đàm phán về đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than cũ, kém hiệu quả.

Xây dựng lộ trình giảm phát thải khí nhà kính các nhà máy nhiệt điện than đồng bộ với lộ trình phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, kết nối với thị trường các-bon thế giới.

Tiến tới dừng vận hành các nhà máy điện than không đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường; xem xét khả năng chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện than sang mục đích sử dụng khác phù hợp, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Triển khai các biện pháp quản lý, kỹ thuật nâng cao hiệu suất các nhà máy điện truyền thống, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình sản xuất, truyền tải và phân phối điện; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng sạch.

Thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch 

Nhiệm vụ trọng tâm khác là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Cụ thể, tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và thúc đẩy chuyển sang sử dụng năng lượng sạch trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, dịch vụ, thương mại và dân dụng.

Hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy định bắt buộc kèm theo chế tài về các định mức tiêu thụ năng lượng của các phân ngành kinh tế.

Thúc đẩy phát triển và áp dụng mô hình kinh doanh công ty dịch vụ tiết kiệm năng lượng (ESCO).

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo

Cùng với đó là nhiệm vụ phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo. Theo đó, triển khai thực hiện nội dung phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi...),năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh, sóng biển, địa nhiệt...) phù hợp với khả năng bảo đảm an toàn hệ thống với giá thành điện năng hợp lý.

Nghiên cứu xây dựng 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng bao gồm sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện; công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, xây dựng, lắp đặt, dịch vụ liên quan, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp năng lượng tái tạo tại các khu vực có nhiều tiềm năng như Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Nam Bộ.

Phát triển các loại hình điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn nhằm tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, chế biến gỗ, thúc đẩy trồng rừng và xử lý môi trường.

Xây dựng và thực hiện quy định về tỷ lệ năng lượng tái tạo cho các tổ chức phân phối điện, kết hợp với xây dựng thị trường tín chỉ năng lượng tái tạo. Nâng cao khả năng chế tạo, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị năng lượng tái tạo trong nước.

Khuyến khích sử dụng điện được sản xuất từ nguồn năng lượng sạch; phát triển không giới hạn điện mặt trời mái nhà trên các tòa nhà công sở và nhà dân theo hướng tự sản xuất, tự tiêu thụ.

PV.

 

Đăng ngày: 31/08/2023 , 21:19 GMT+7

Tin liên quan