Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc áp dụng ISO 50001:2018”
Tham dự Hội thảo có Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp, Ông Nguyễn Ngọc Khiêm – Phó Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các cơ quan thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và Hà Nội.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và chuyển dịch năng lượng bền vững là xu hướng tất yếu tại Việt Nam nhằm gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh song song với thực hiện trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình hiện thực hóa mục tiêu kép là tăng trưởng xanh và hiện thực hóa các cam kết với quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “ 0” vào năm 2050.
Ngày 8 tháng 6 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 -2025 và các năm tiếp theo, trong đó khuyến khích xây dựng, triển khai áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhấn mạnh tăng cường thúc đẩy các kỹ thuật tiết kiệm năng lượng tiên tiến, thúc đẩy cải tiến công nghệ trong các ngành tiêu thụ năng lượng.
TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, Hội thảo được tổ chức với mục đích giúp các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng, tiếp cận một cách có hệ thống và hiệu quả đối với sử dụng năng lượng cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình vận dụng yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001:2018 vào hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam, chia sẻ: Công nghiệp hỗ trợ là “rường cột” của công nghiệp chế tạo, là hạt nhân của quá trình công nghiệp hóa. Với tâm huyết của mình, ông Tuất có nhiều trăn trở khi hơn 20 năm qua, mặc dù có sự nhìn nhận, quan tâm nhưng công nghiệp hỗ trợ nước ta vẫn “dậm chân tại chỗ”. Câu chuyện về lòng tin của ông bán rau và chủ hàng phở khi giao hàng, liên tưởng tới sự tin tưởng tuyệt đối giữa người cung cấp hàng hóa, nguyên phụ liệu với nhà sản xuất như là mối quan hệ tất yếu của quá trình công nghiệp hóa. Câu chuyện được ông Tuất nhắc tới như nhắn nhủ “để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quốc gia để phát triển chứ không chỉ riêng những doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ra sức thực hiện hay chỉ cẩn làm cho đúng kỹ thuật, làm cho đúng yêu cầu”.
Ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Đề cập đến việc để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng, ông Tuất cho rằng, các nhà lắp ráp ngày càng yêu cầu các nhà cung ứng, các nhà sản xuất chi tiết linh kiện phải đảm bảo được 3 miền giá trị gồm: giá trị cốt lõi, giá trị gia tăng và giá trị cảm nhận, giá trị mà ở đó người nhận hàng chờ đợi ở nhà cung cấp sự thiện chí, đồng cảm, cùng chí hướng. Vấn đề của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay đang thiếu cả từ giá trị cốt lõi, giá trị gia tăng và đặc biệt là về giá trị cảm nhận. Ngoài ra các yêu cầu khác được đề cập đến cho các nhà cung cấp của Việt Nam như: vấn đề bảo vệ môi trường, lao động trẻ em, tiết kiện năng lượng, quy trình tái chế…
Để làm được điều này, ông cho rằng cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các doanh nghiệp phải đảm bảo được cả 3 miền giá trị thì mới trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Hội thảo lần này hướng tới giá trị gia tăng, hiệu quả của doanh nghiệp, ông hy vọng hội thảo cung cấp nhiều thông tin về Tiêu chuẩn ISO 50001:2018, các giải pháp của chuyên gia về ứng dụng các tiêu chuẩn quản lý năng lượng, những dự báo yêu cầu về tiết kiệm năng lượng và xu hướng năng lượng tương lai, các chuỗi cung ứng ứng xử như thế nào về xu hướng sử dụng năng lượng tương lai qua đó giúp cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể phát triển đúng như vai trò của nó trong quá trình phát triển công nghiệp hóa đất nước.
Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp
Về vấn đề năng lượng điện, Ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp cho biết, năng lượng điện đang rất khan hiếm và cần có cách thức sử dụng một cách tiết kiệm, hiệu quả, vừa phục vụ cho đời sống đồng thời giảm chi phí và đóng góp vào sự phát triển bền vững, các mục của Chính phủ đưa ra.
Để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, Tiêu chuẩn ISO 50001:2018 là một giải pháp tiết kiệm, hiệu quả. Đây là hệ thống quản lý năng lượng được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thế giới ban hành lần đầu năm 2011 và soát xét năm 2018. Tiêu chuẩn này quy định việc kết hợp quản lý năng lượng vào thực tiễn hàng ngày của tổ chức doanh nghiệp, giúp các tổ chức doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản lý và quá trình cần thiết để cải thiện liên tục kết quả thực hiện năng lượng, bao gồm việc sử dụng năng lượng, tiêu thụ năng lượng và hiệu quả năng lượng. Việc thực hiện tiêu chuẩn này hướng tới giảm phát thải khí nhà kính, giảm chi phí năng lượng và các tác động môi trường có liên quan khác, thông qua việc quản lý năng lượng có hệ thống. Tiêu chuẩn này có thể áp dụng cho tất cả các loại hình và quy mô của các tổ chức mà không phụ thuộc vào điều kiện về vị trí địa lý, văn hóa, xã hội.
“Mục đích của hội thảo là giới thiệu đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp một trong những công cụ mà Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã ban hành từ năm 2011 và áp dụng rất rộng rãi. Tuy nhiên, việc tiếp cận và áp dụng còn hạn chế những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính vì vậy, hội thảo là nơi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận tiêu chuẩn một cách hiệu quả và thiết thực nhất”, ông Dũng nhấn mạnh.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Các tham luận tại Hội thảo trình bày về Các yêu cầu pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, Giới thiệu tiêu chuẩn hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2018, chia sẻ Kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo ISO 50001 tại Công ty CP Prime Tiền Phong. Hội thảo cũng giới thiệu dự án Thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong ngành công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến thực phẩm.
Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác về việc Hỗ trợ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho doanh nghiệp tại Việt Nam.
Tại Hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác về việc Hỗ đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho doanh nghiệp tại Việt Nam giữa Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT – Viện Tin học Doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI-ITB – Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam VASI. Nội dung hợp tác xoay quanh việc nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, lựa chọn doanh nghiệp để hợp tác với chuyên gia trong nước và quốc tế tư vấn kỹ thuật, phát triển dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tài chính cho dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện các chương trình đào tạo về tiêu chuẩn ISO 50001:2018 cũng như đánh giá cấp Giấy chứng nhận Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018 (Giấy chứng nhận được mang dấu công nhận của Tổ chức công nhận quốc tế JAS ANZ và dấu IAF)
Vũ Trìu