Thủ tướng Anh Boris Johnson đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26
Đây là Hội nghị quốc tế có quy mô lớn, quan trọng hàng đầu về biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, tác động ngày càng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, đòi hỏi các quốc gia cần hành động mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris.
Tham dự COP 26 có Lãnh đạo và đại diện của 197 bên tham gia Công ước, trong đó có hơn 120 nguyên thủ và thủ tướng các nước. Hội nghị còn có Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, lãnh đạo hàng chục tổ chức quốc tế và thể chế tài chính quốc tế lớn trên thế giới, nhiều tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh này vào chiều cùng ngày để khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu - một trong những thách thức lớn nhất đối với toàn cầu hiện nay.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh COP26, các nhà lãnh đạo bày tỏ hết sức lo ngại trước những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với Trái đất, đồng thời tái khẳng định nhân loại cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cộng đồng quốc tế cần hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ và có những cam kết mạnh mẽ hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Các diễn giả cũng nhấn mạnh các nước phát triển cần thực hiện đúng cam kết huy động tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển trong các nỗ lực thích ứng và chống chịu trước những tác động của biến đổi khí hậu, cho rằng COP26 là cơ hội cuối cùng để khôi phục tự nhiên và bảo vệ tương lai nhân loại.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26
Thủ tướng Barbados nêu bật các tác động khốc liệt của biến đổi khí hậu đối với sự tồn vong của các quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương và Caribbean, nhấn mạnh cần giải quyết vấn đề tài chính, chuyển đổi và thích ứng để đạt các mục tiêu của Thoả thuận Paris, nhấn mạnh tình trạng hiện nay là "báo động đỏ" cho các nước G7 và G20.
Thủ tướng Italia Mario Draghi tuyên bố các nước G20 sẽ dừng cung cấp tài chính cho các dự án điện than vào cuối năm nay. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề nghị các nước cam kết ở mức cao nhất, cần xây dựng các liên minh về tài chính và công nghệ để hỗ trợ các nước đang phát triển tăng trưởng xanh, bảo vệ những người dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu.