OCOP phát huy lợi thế về tài nguyên bản địa
Trong những năm qua, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã và đang mang lại những thành công đáng kể cho tỉnh Bắc Giang, trong đó, việc áp dụng chuyển đổi số đã mở ra cơ hội phát triển mới, giúp các sản phẩm đặc sản của tỉnh không chỉ phổ biến trong nước mà còn xuất khẩu ra nhiều thị trường quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Luy- Chi cục trưởng, Chi cục Kinh tế Hợp tác và PTNT, chương trình OCOP là một hướng đi đúng đắn, mang tính chiến lược và có vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đây không chỉ đơn thuần là chương trình phát triển sản phẩm địa phương mà còn là một giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng nội sinh và bền vững. Thông qua chương trình, các địa phương có điều kiện phát huy lợi thế về tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống và trí tuệ cộng đồng để tạo ra những sản phẩm đặc trưng, có giá trị gia tăng cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nông thôn.
Giai đoạn 2021-2025, chương trình OCOP tiếp tục được tỉnh triển khai với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng, gắn với chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển du lịch cộng đồng gắn với OCOP... là những hướng đi trọng tâm, phù hợp với xu thế thị trường và yêu cầu phát triển bền vững.
Tính đến nay, tỉnh Bắc Giang đã có 419 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 01 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 21 sản phẩm 4 sao và 397 sản phẩm 3 sao. Trong số đó, vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia năm 2024. Đây là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang đạt danh hiệu này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Hiện vải thiều Lục Ngạn không chỉ nổi bật về chất lượng mà còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế như Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Chi cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Giang) tổ chức gian hàng giới thiệu hơn 30 sản phẩm OCOP tiêu biểu tại Hội chợ OCOP khu vực Đồng bằng sông Hồng – Quảng Ninh năm 2025
Việc đạt được một sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Bắc Giang trong việc tiếp tục lựa chọn các sản phẩm lợi thế của địa phương để hoàn thiện các tiêu chí đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia trong năm 2025. Không chỉ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước 01 năm (mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh có 350 sản phẩm OCOP),chương trình OCOP của tỉnh đã hỗ trợ gần 80 chủ thể nâng cấp bao bì, chuyển đổi số, tạo thêm nhiều việc làm ổn định cho lao động khu vực nông thôn, góp phần ổng định và nâng cao chất lượng đời sống của người dân trong khu vực.
Chuyển đổi số - chìa khoá nâng tầm sản phẩm OCOP
Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn mỗi làng, xã của tỉnh Bắc Giang đều có một sản phẩm đặc trưng, trong đó phải kể đến các sản phẩm chủ lực như: vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mật ong rừng Sơn Động, rượu làng Vân... Tuy nhiên, để biến các sản phẩm này thành sản phẩm được người tiêu dùng trong nước chấp nhận cũng như mở rộng hơn nữa ra thị trường quốc tế thì chương trình OCOP đang giữ vai trò quan trọng nhằm giúp địa phương hiện thực hóa mục tiêu này. Nếu trước đây, phần lớn các hộ gia đình làm sản phẩm OCOP thì nay đã có hơn 90% đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp, hợp tác xã. Khi thực hiện chương trình, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã có sự liên kết với nhau, giới thiệu thị trường cho nhau để cùng phát triển.
Bên cạnh chuẩn hóa quy trình sản xuất bằng việc đầu tư máy móc hiện đại, sử dụng hệ thống nhận diện như tem, nhãn mác bắt mắt, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm rõ ràng, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều biện pháp chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển và tiêu thụ các sản phẩm OCOP.
Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về thương mại điện tử, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Nhiều hội nghị và các buổi tập huấn đã được tổ chức nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp và hợp tác xã. Bên cạnh đó, các giải pháp kinh doanh trực tuyến hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử cũng được giới thiệu và áp dụng. Nhờ đó, khách hàng ở nhiều vùng miền có thể dễ dàng tiếp cận và mua sắm các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang. Ngoài ra, tỉnh đã kết nối giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia trưng bày sản phẩm tại hội chợ triển lãm trực tuyến, hỗ trợ xây dựng website và phần mềm ứng dụng TMĐT cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Hiện tại, thông qua 2 sàn giao dịch TMĐT là san24h.vn và batex.vn, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh có thể kết nối giao thương và giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng tầm sản phẩm OCOP
Tầm nhìn đến năm 2030, chương trình OCOP được tỉnh Bắc Giang kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa đặc trưng quy mô lớn, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có 535 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, góp phần định vị thương hiệu nông sản của Bắc Giang trên thị trường, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh tế nông thôn, đặc biệt là hợp tác xã và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường khu vực và quốc tế, trong những năm qua, tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung vào 5 nhóm giải pháp. Một là, chuẩn hóa và nâng cấp chất lượng sản phẩm. Các sản phẩm OCOP được hỗ trợ cải tiến bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn hóa theo các quy chuẩn như OCOP, VietGAP, GlobalGAP, HACCP... Đến nay, 100% sản phẩm OCOP 4 sao trở lên của tỉnh đã có hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến phù hợp với đặc tính sản phẩm, có xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử rõ ràng.
Hai là, xây dựng thương hiệu và bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong những năm qua tỉnh Bắc Giang đã triển khai đăng ký nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý và bảo hộ quốc tế cho nhiều sản phẩm. Tiêu biểu, vải thiều Lục Ngạn đã được bảo hộ tại Nhật Bản, Trung Quốc, Úc, Singapore và một số thị trường EU. Mỳ Chũ tại một số nước Châu Á. Đặc biệt, các sản phẩm OCOP từ 4 sao trở lên đều có sử dụng thương hiệu, nhãn hiệu được chứng nhận, bảo hộ.
Ba là, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Hằng năm, tỉnh tổ chức nhiều các sự kiện kết nối cung - cầu trong và ngoài nước đặc biệt đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh như vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Tân Yên; sâm nam núi Dành. Năm 2024, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức 04 sự kiện xúc tiến OCOP tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh và Lào Cai, đồng thời phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, các doanh nghiệp để kết nối đưa sản phẩm OCOP tham gia 11 hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại tại các tỉnh thành trong cả nước.
Bốn là, ứng dụng chuyển đổi số trong quảng bá và tiêu thụ. Bắc Giang đã triển khai ứng dụng phần mềm đánh giá, phân hạng sản phẩm, xây dựng website chương trình. Hỗ trợ các chủ thể tham gia gian hàng số cho các sản phẩm OCOP, tích cực đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee, Lazada, Amazon và Alibaba. Năm 2024, có trên 120 sản phẩm OCOP được bán trực tuyến, nhiều sản phẩm ghi nhận lượng đơn hàng tăng hơn so với bán truyền thống.
Năm là, hỗ trợ chủ thể OCOP nâng cao năng lực sản xuất. Hàng năm, tỉnh tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho hàng trăm lượt cán bộ quản lý chương trình các cấp, chủ thể sản xuất. Nội dung tập trung vào các vấn đề phát triển sản phẩm, marketing, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, thương mại điện tử và tiếp cận hội nhập thị trường quốc tế./.
Tuấn Thành