Thiếu tá Trương Xuân Bình – Giám đốc Vietel Quảng Ngãi
Viettel là DNNN tiên phong trong thực thi chiến lược quốc gia về lĩnh vực viễn thông - CNTT và công nghiệp quốc phòng công nghệ cao. Năm 2020, Tập đoàn Viettel đã thành công chuyển đổi số tại chính doanh nghiệp, chuyển dịch mạnh mẽ từ nhà cung cấp viễn thông sang nhà cung cấp dịch vụ số với 6 lĩnh vực nền tảng số trong xã hội gồm: hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Từ năm 2020 đến nay, Viettel là doanh nghiệp VN có sức ảnh hưởng nhất về đổi mới sáng tạo khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Viettel đồng thời là thương hiệu viễn thông giá trị nhất VN, đứng số 1 tại Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 18 trong số các nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới năm 2022. Đây cũng chính là nền tảng để Viettel Quảng Ngãi có sự bứt phá, góp phần cùng chính quyền tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.
Những kết quả bước đầu tích cực
Viettel Quảng Ngãi hiện đang là đơn vị dẫn đầu về thị phần viễn thông di động tại Quảng Ngãi với hơn 61%. Năm 2021, hệ thống giám sát an toàn thông tin mạng (SOC) tỉnh Quảng Ngãi do Viettel cung cấp là giải pháp được Bộ TTTT đánh giá xếp thứ 3/63 tỉnh thành trên toàn quốc về An toàn môi trường mạng. Với vai trò tiên phong kiến tạo xã hội số, trong năm 2021, Viettel Quảng Ngãi đã nhanh chóng triển khai giải pháp dịch vụ “Telehealth – Khám chữa bệnh từ xa”, “Phần mềm quản lý y tế xã phường” cho ngành Y tế Quảng Ngãi, xây dựng nền tảng hồ sơ sức khỏe cho người dân Quảng Ngãi.
Viettel Quảng Ngãi cũng là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của tỉnh tài trợ cho chương trình đưa Internet về trường học, kết nối Internet cáp quang giúp nhà trường tiếp cận Internet tốc độ cao, chất lượng ổn định, cho phép sử dụng cùng lúc với số lượng lớn và phần mềm quản lý trường học (SMAS); Sổ liên lạc điện tử; Tập huấn, bồi dưỡng năng lực giáo viên đến gần 12.000 user trên toàn tỉnh; Hệ thống giảng dạy, thi và kiểm tra trực tuyến (K12 online). Bên cạnh đó là các giải pháp dành cho doanh nghiệp như chữ ký số, hóa đơn điện tử, thu phí không dừng; Triển khai mô hình Chợ 4.0 - Chợ không dùng tiền mặt...
Nói về vai trò dẫn dắt và hỗ trợ doanh nghiệp Quảng Ngãi trong quá trình chuyển đổi số, Thiếu tá Trương Xuân Bình – Giám đốc Vietel Quảng Ngãi chia sẻ: “Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải chủ động thay đổi trước khi buộc phải thay đổi để tiếp tục tồn tại và phát triển. Nếu không bắt đầu thì sẽ mãi lạc hậu”. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng trong thời gian dài hơn. Lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các nền tảng công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến 5 mục đích cuối cùng của chuyển đổi số: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng. Viettel sẵn sàng đồng hành cùng Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các giải pháp giúp doanh nghiệp chuyển đổi số như: Đồng hành, trực tiếp nắm bắt năng lực để đóng gói sản phẩm; xây dựng chính sách trải nghiệm miễn phí hoặc giá rẻ giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cơ hội tiếp cận dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Sẵn sàng hạ tầng số hiện đại, mở rộng không gian cho ứng dụng mới
Nhằm đồng hành cùng các sở, ngành triển khai các ứng dụng, nền tảng số, góp phần vào yêu cầu công tác chuyển đổi số chung, Viettel Quảng Ngãi đã và đang chủ động triển khai các hạ tầng số như: củng cố, mở rộng hạ tầng cáp quang cho các dự án khu đô thị, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu du lịch; hướng đến Logistic thông minh; sẵn sàng hạ tầng mạng lưới cho triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 và đưa vào hoạt động từ tháng 8 này trạm phát sóng 5G đầu tiên tại Quảng Ngãi. Viettel sẽ tiếp tục ưu tiên xây dựng hạ tầng mạng 4G, 5G tại các khu vực trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Mục tiêu đến năm 2030, Viettel sẽ phổ cập mạng 5G trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Ngãi thực hiện các chính sách an sinh xã hội; đồng hành, hợp tác với các sở, ngành thực hiện chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh theo các chương trình, kế hoạch, đề án đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt, tạo sự tin tưởng của doanh nghiệp và người dân đối với chính quyền địa phương, làm cơ sở cải thiện tăng chỉ số cạnh tranh và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
“Với mong muốn tạo ra một cộng đồng trong chuyển đổi số, chúng tôi sẽ nỗ lực và quyết liệt trong cuộc đua chuyển đổi số của thời đại và chúng tôi luôn sẵn sàng tiên phong, chủ lực trong tham gia chuyển đổi số một cách toàn diện ở nhiều lĩnh vực trọng điểm của xã hội, điển hình là Y tế, Giáo dục, Công thương, Nông nghiệp, Tài nguyên Môi trường... Một hạ tầng số lớn nhất, hiện đại nhất tại Quảng Ngãi với công nghệ chủ đạo là: 4G, 5G, NB-IoT… đã và đang được lên kịch bản đầu tư xây dựng, phát triển hàng loạt ứng dụng. Đây sẽ là nền tảng để Viettel Quảng Ngãi mang hệ sinh thái thanh toán số toàn diện đến với khách hàng, bao gồm: cung cấp hạ tầng thanh toán số, giải pháp thanh toán số cho các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, công thương…”, Giám đốc Viettel Quảng Ngãi khẳng định.
Viettel Quảng Ngãi và những thành tích ấn tượng
Năm 2021, doanh thu đạt 830 tỷ đồng, đứng Top 6 trong hơn 4000 Doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2021, Viettel QNI có hơn 700 lao động trực tiếp, TNBQ đạt 25 triệu đồng/tháng; hợp tác với hơn 4.000 Hộ kinh doanh Viễn thông, thu nhập 10 -20 triệu/tháng.
Đóng góp hơn 10 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội với nhiều chương trình như: Phòng chống dịch Covid-19; Trao học bổng Vì em hiếu học; miễn phí đường truyền internet cho hơn 520 trường học/cơ sở giáo dục, tặng 2000 sim Data cho học sinh, giáo viên học online và nhiều hoạt động khác.
Kim Hồng
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương nại - Số 9/2022