Lục Nam là huyện miền núi có diện tích rộng thứ ba tỉnh Bắc Giang, từng gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai chương trình NTM. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 15 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo tới 22,17%, toàn huyện chỉ đạt bình quân 7,56 tiêu chí/xã và có 4 xã đặc biệt khó khăn.
Huyện Lục Nam có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Nhưng với quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và đặc biệt là người dân, Lục Nam đã dần vượt khó, từng bước khẳng định vị thế mới. Tính đến cuối năm 2024, huyện có 22/22 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 4 xã đạt NTM nâng cao, 1 8 thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu, 2 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện, chính thức “về đích” nông thôn mới trước khi tổ chức bộ máy hành chính cấp huyện chuyển đổi vào tháng 7/2025.
Điểm nhấn ở huyện Lục Nam là hơn 1.463 tỷ đồng được huy động trong hơn một thập kỷ thực hiện chương trình. Trong đó, người dân góp trên 290.000 m² đất, hơn 50.000 ngày công lao động và hơn 410 tỷ đồng để làm đường giao thông, kênh mương, nhà văn hóa và nhiều công trình thiết yếu khác.
Không chỉ xóa hết nợ xây dựng cơ bản, Lục Nam còn là huyện đầu tiên đưa 4 xã khó khăn nhất gồm Lục Sơn, Trường Sơn, Bình Sơn và Vô Tranh về đích NTM .
Thành công của Lục Nam không chỉ đến từ con số, mà còn thể hiện ở cách làm, đó là lấy người dân làm trung tâm, phát huy vai trò của chi bộ thôn, tổ chức đoàn thể, giám sát cộng đồng. Đây cũng là kết quả của sự quyết tâm cao, vào cuộc của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Đáng ghi nhận là sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, Lục Nam tiếp tục xác định mục tiêu trọng tâm là không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, UBND huyện ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ như: xây dựng cơ sở hạ tầng, cấp giấy chứng nhận VietGAP, in tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ nhà lưới, nhà màng, xử lý rác thải...
Hàng trăm ha cây na dai trồng tại Lục Nam được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP mang lại cho hiệu quả kinh tế cao
Một trong những tiêu chí “gốc rễ” làm nên thành công của Lục Nam là giảm nghèo. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo UBND huyện xây dựng kế hoạch chi tiết, đưa ra nhiều giải pháp, trong đó xác định nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ tạo động lực để hộ nghèo vươn lên. Cùng đó, để giúp người dân có ý thức tự lực vươn lên, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các hội, đoàn thể của huyện, các xã, thị trấn quan tâm hỗ trợ sinh kế, phát triển sản xuất, nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo; phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững… nhờ đó, nhiều hộ dân thay đổi tư duy, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, trình độ văn hoá, nhận thức được nâng lên. Kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 2,13%, có tới 56 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo.
Trên nền tảng vững chắc đã đạt được, địa phương cũng mong muốn trong thời gian tới chính quyền tiếp tục nhận được sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân, tiếp tục duy trì chất lượng các tiêu chí, không ngừng làm mới tư duy phát triển, coi trọng nội lực và sự sáng tạo từ cơ sở để xây dựng, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, cải thiện và nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Tuấn Thành
Một số kết quả nổi bật của Lục Nam đến năm 2024:
- 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (23/23 xã)
- 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao
- 18 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 2,13%
- Huy động hơn 1.463 tỷ đồng cho NTM
- 56 hộ tự nguyện xin thoát nghèo