Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đại diện Văn phòng Quốc hội, các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao; đại diện Tổng Lãnh sự quán và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc.
Phía Trung Quốc có ông Lý Thạc, Phó Giám đốc Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây; đại diện các cơ quan chức năng thành phố Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây; huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam và các hiệp hội, doanh nghiệp nhập khẩu nông sản từ các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, Chiết Giang và thành phố Trùng Khánh.
Tham dự hội nghị còn có đại biểu các tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai cùng hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước, các sàn thương mại điện tử, tập đoàn phân phối lớn.
Về phía tỉnh Bắc Giang có các đồng chí: Nguyễn Văn Gấu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh và đại diện sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân các vùng sản xuất.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang tham quan gian trưng bày sản phẩm tại Hội nghị
Đây là sự kiện thường niên quan trọng, được tỉnh Bắc Giang tổ chức nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị và quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh: “Bắc Giang tự hào là thủ phủ vải thiều của cả nước”. Năm 2025, toàn tỉnh có 29.700 ha vải thiều, sản lượng ước đạt 165.000 tấn. Trong đó, hơn 21.000 ha đã được cấp mã số vùng trồng; 305 mã số cơ sở đóng gói được cấp phục vụ xuất khẩu.
Vải thiều Bắc Giang tiếp tục được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia và đã xuất khẩu thành công tới hơn 30 thị trường, bao gồm cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu. Điều này góp phần giữ gìn thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm vải thiều Bắc Giang.
Ngoài vải thiều, Bắc Giang còn có 56 sản phẩm nông sản chủ lực và 419 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tỉnh xác định mục tiêu không chỉ nâng cao sản lượng mà còn đặc biệt chú trọng đến chất lượng, bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng, quy mô và sự phối hợp đồng bộ của tỉnh Bắc Giang trong công tác xúc tiến thương mại. Ông nhấn mạnh quyết tâm mạnh mẽ của tỉnh trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là việc phát triển và quảng bá thương hiệu vải thiều - loại trái cây đặc sản, nổi tiếng mang tầm quốc gia và quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, cũng như sự đồng hành của các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu, áp dụng công nghệ bảo quản và chế biến sâu giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản địa phương. Đặc biệt, sự phối hợp với các đối tác Trung Quốc trong việc tạo điều kiện thông quan thuận lợi, xây dựng “luồng xanh” cho nông sản tươi giúp tiêu thụ nhanh, hiệu quả qua các cửa khẩu biên giới.
Ông đề nghị tỉnh Bắc Giang cùng các Bộ ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp như nâng cấp chất lượng giống, đầu tư nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến để kéo dài thời gian tiêu thụ và mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, EU, Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông, bên cạnh việc duy trì và phát triển thị trường nội địa – nền tảng tiêu thụ ổn định cho sản phẩm. Để mang lại hiệu quả cao cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý là yếu tố quyết định để hình thành chuỗi giá trị bền vững, bảo đảm đầu ra ổn định, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang.
Ông cũng khẳng định Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, đặc biệt tập trung vào các chính sách phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân. Cùng đó là việc bố trí nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, trung tâm logistics, sơ chế bảo quản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và tiêu thụ nông sản chủ lực của Bắc Giang.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội và phát biểu của các đại biểu đã dành nhiều sự quan tâm, ủng hộ cho sản phẩm vải thiều và nông sản của Bắc Giang. Những trao đổi, định hướng, kiến nghị tại hội nghị, Bắc Giang xin tiếp thu, kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh cụ thể hóa từng nhóm vấn đề, như: Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; quy trình sản xuất chất lượng cao, an toàn; thúc đẩy hoạt động logistics; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường; …
Ông Nguyễn Việt Oanh khẳng định, Hội nghị hôm nay không chỉ quảng bá sản phẩm mà còn khẳng định cam kết hợp tác bền vững giữa Bắc Giang với đối tác và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tỉnh đảm bảo minh bạch thông tin, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ uy tín vải thiều và nông sản. Bắc Giang luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong việc phát triển vùng trồng, ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng thương hiệu bền vững. Ông cam kết địa phương sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại đa kênh, quảng bá rộng rãi các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực không chỉ trong nước mà cả quốc tế.
Các đại biểu cắt băng xuất hành lô vải thiều đầu tiên đi xuất khẩu và tiêu thụ trong nước
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các đại biểu, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã cắt băng xuất hành lô vải thiều đầu tiên đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, mở đầu cho mùa vụ vải thiều 2025 với quyết tâm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất, giữ gìn bản sắc riêng có và tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Thào Ngân