Mô hình thôn thông minh – nền móng số trong chiến lược xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang

Đăng ngày: 26/05/2025 , 19:27 GMT+7

Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bắc Giang coi việc thực hiện xây dựng mô hình xã thông minh thôn và thông minh như một phần trong chiến lược chuyển đổi số phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục đích của mô hình này là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng quản lý, sản xuất và đời sống người dân nông thôn trên địa bàn.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 6/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 119/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 53/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 13/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (mỗi xã có ít nhất một mô hình thôn thông minh).

Năm 2022, thôn Khả Lý Thượng thuộc xã Quảng Minh, huyện Việt Yên (nay là phường Quảng Minh, thị xã Việt Yên) được lựa chọn làm mô hình thôn thông minh đầu tiên của tỉnh Bắc Giang. Mô hình tập trung vào 2 tiêu chí: nâng dần tỷ lệ người dân sử dụng định danh điện tử đạt trên 25%; đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc. Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Gấc Việt tại thôn đã triển khai gắn mã QR cho sản phẩm gấc, giúp người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ngoài ra, thôn được trang bị hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, với mạng wifi phủ sóng toàn thôn, hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến và thông tin hữu ích.

Mô hình trồng gấc tại Hợp tác xã Nông nghiệp Gấc Việt mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cũng trong năm 2022, Quảng Minh là đơn vị cấp xã đầu tiên của tỉnh Bắc Giang đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (tháng 11/2022). Có thể nói, việc hoàn thành mô hình thôn thông minh tại thôn Khả Lý Thượng là cơ sở để Quảng Minh đạt được danh hiệu này.

Về cơ bản, tỷ lệ người dân sử dụng định danh điện tử ở các thôn đều vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, các địa phương hiện vẫn gặp khó trong việc thực hiện tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển đổi số. Nguyên nhân là do địa bàn chủ yếu làm nông nghiệp quy mô nhỏ, đất canh tác manh mún nên khó thực hiện tiêu chí có mô hình sản xuất công nghệ cao. Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện mô hình. Bên cạnh đó, hầu hết các địa phương đều chưa phát huy được sản phẩm thế mạnh, nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương chưa được chủ thể quan tâm giới thiệu, quảng bá trên sàn điện tử trong khi đây là kênh tiêu thụ hiệu quả.

Để khắc phục khó khăn này, ngành Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các địa phương quan tâm hướng dẫn người dân thực hiện các chỉ tiêu liên quan. Bên cạnh đó tích cực tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia chương trình.

Được biết, nhiều thôn, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã thành lập tổ dân vận, tổ công nghệ số cộng đồng để vận động các hộ dân cài đặt định danh điện tử, xây dựng sản phẩm đặc trưng địa phương, phát triển mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến. Đối với các địa phương gặp trở ngại trong việc hướng dẫn người dân hoàn thiện các thủ tục, ứng dụng chuyển đổi số, ngành Nông nghiệp và Môi trường, UBND tỉnh chủ trương “cầm tay chỉ việc” kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang tiếp tục xây dựng mô hình thôn thông minh. Theo đó phấn đấu nâng tỷ lệ người dân sử dụng định danh điện tử, xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh (áp dụng các công nghệ thông minh trong sản xuất như tưới nhỏ giọt ứng dụng điện toán đám mây, phun thuốc bảo vệ thực vật tự động, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Giang, việc xây dựng Mô hình thôn thông minh là một hướng đi mới và thiết yếu trong bối cảnh hiện nay. Việc phát triển Mô hình thôn thông minh không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân nông thôn, mà còn góp phần vào việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Để thực hiện tốt mô hình này, bên cạnh kinh phí hỗ trợ từ cấp trên, các địa phương cần tiếp tục phát huy nội lực, huy động nguồn vốn xã hội hóa, đồng thời khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có để hoàn thành mục tiêu đã đề ra./.

Tuấn Thành – Mai Thanh

 

Đăng ngày: 26/05/2025 , 19:27 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác