Tránh rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa

Đăng ngày: 27/01/2021 , 15:32 GMT+7
Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) hưởng các ưu đãi thuế quan, thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa, các ngành hàng. Mặt khác, các DN trong nước, trong đó có DN TP Hồ Chí Minh đang đối mặt nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại của các nước.

Trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ của doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại quận 1

Việc điều tra, áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại đối với các nhóm mặt hàng xuất khẩu của DN Việt Nam, trong đó có các DN ở TP Hồ Chí Minh, có dấu hiệu gia tăng tại nhiều thị trường trên thế giới trong thời gian qua. Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, tính đến hết tháng 9-2020, đã ghi nhận và xử lý 193 vụ việc phòng vệ thương mại nước ngoài áp dụng đối với Việt Nam, bao gồm: 108 vụ việc chống bán phá giá, 22 vụ việc chống trợ cấp, 23 vụ việc chống lẩn tránh thuế, 40 vụ việc tự vệ. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD. Như vậy, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian gần đây. Nếu như năm 2019 ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới, thì chỉ chín tháng năm 2020 đã ghi nhận số lượng tăng gấp hai lần, lên 32 vụ việc. Phần lớn số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như: Kim loại, sợi, thủy sản, gỗ dán, vật liệu xây dựng, hóa chất. Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là: Mỹ, Ấn Độ, Liên hiệp châu Âu (EU),Thổ Nhĩ Kỳ, Ca-na-đa và Ô-xtrây-li-a. Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% số vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thậm chí, các nước trong khối ASEAN cũng thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc, chiếm tỷ lệ 20%.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Trần Phú Lữ cho biết, việc Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hưởng các ưu đãi về mặt thuế quan, giúp thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu hàng hóa, các ngành hàng. Tuy nhiên, các DN trong nước cũng đang đối diện nhiều hơn với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Điều này đòi hỏi chính các DN phải nâng cao tính chủ động, song hành cùng cơ quan quản lý nhà nước ứng phó hiệu quả đối với các biện pháp phòng vệ thương mại của các nước, trong đó có Mỹ.

Kể từ khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Mỹ (BTA) có hiệu lực năm 2001, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ tăng trưởng bình quân từ 12 đến 16% mỗi năm. Hiện, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 12 của Mỹ. Năm 2020, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Mỹ đạt gần 91 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 77,1 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Trần Phú Lữ cho biết thêm, Mỹ luôn là đối tác kinh tế -

thương mại hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn của các DN nước ta. Với TP Hồ Chí Minh, Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu chủ yếu với kim ngạch chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Tuy nhiên, với hệ thống pháp luật phức tạp, thị trường Mỹ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN. Hằng năm, nhiều lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam bị các DN tại Mỹ khởi kiện, hoặc áp dụng lệnh bắt buộc phải tiêu hủy, hoặc thu hồi khỏi thị trường. Đây cũng chính là những khó khăn, thách thức đòi hỏi DN trong nước phải quan tâm tìm hiểu thông tin khi muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ. Hiện, thị trường Mỹ còn nhiều tiềm năng để các DN trong nước xuất khẩu hàng hóa, nhất là các nhóm ngành hàng rau quả, thực phẩm; máy móc, thiết bị; các mặt hàng công nghiệp và hàng tiêu dùng. Cùng với thuận lợi nêu trên, các DN cũng sẽ gặp các rào cản kỹ thuật, thương mại, trong đó có vấn đề về pháp lý.

Ông C.Mát-thiu, Luật sư Công ty Luật quốc tế Dentons cho rằng, với thị trường tiêu thụ rộng lớn, đồng thời là đối tác thương mại của nhiều quốc gia nên có nhiều nước muốn là đối tác thương mại để mở rộng thị trường xuất khẩu với Mỹ. Cùng với cơ hội này, các DN cần lưu ý thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều nguy cơ về pháp lý, nhất là các biện pháp phòng vệ thương mại, bởi ở mỗi giai đoạn và tùy từng đối tác, Mỹ sẽ có sự điều chỉnh chính sách thương mại khác nhau. Do đó, DN Việt Nam cần hết sức lưu ý về vấn đề này khi ký hợp đồng thương mại với các đối tác để xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ…

Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường mở, thị trường lớn nhưng cũng là thị trường khó tính cùng với những rủi ro pháp lý phức tạp. Ngoài ra, các DN trong nước, nhất là các DN xuất khẩu, cần chủ động tham vấn các cơ quan chức năng liên quan; phải hiểu rõ và thường xuyên cập nhật hệ thống pháp luật của Mỹ để tránh xảy ra tranh chấp; nếu có tranh chấp thì tránh thiệt hại ở mức thấp nhất…

Nguồn: Trang Thành phố Hồ Chí Minh
https://nhandan.com.vn/tin-chung1/tranh-rui-ro-khi-xuat-khau-hang-hoa-632945/

Đăng ngày: 27/01/2021 , 15:32 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác