Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú. Bên cạnh đó còn có lãnh đạo các Vụ, Cục NHNN; đại biểu đại diện các bộ Ngành, Hiệp hội DNNVV, đại diện Hội sở chính và chi nhánh TCTD. Hội nghị tổ chức trực tuyến tại NHNN Việt Nam và 22 chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ với những khó khăn của DNNVV - Ảnh: VGP
Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DNNVV. NHNN đã rất tích cực chỉ đạo, điều tiết tiền tệ, kêu gọi sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng (TCTD) để quyết định giảm lãi suất điều hành nhằm hạ mặt bằng lãi suất.
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách về tiền tệ, tín dụng, trên cơ sở đó NHNN ban hành, triển khai tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn. Cụ thể:
Về điều hành lãi suất: NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết kiệm giảm chi phí cho doanh nghiệp , người dân. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có DNNVV) thấp hơn 1%-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường. Ngày 14/03/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5% mức lãi suất này để hỗ trợ chi phí vay vốn cho khách hàng (hiện còn 5%/năm).
Về điều hành tín dụng: Điều hành chính sách tín dụng phù hợp với diễn biến thực tế, chỉ đạo TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân, trong năm 2022, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD để cung ứng vốn cho nền kinh tế. Năm 2023, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế để đáp ứng vốn cho nền kinh tế.
Tại các Chỉ thị về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng và các văn bản chỉ đạo điều hành về hoạt động tín dụng, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tập trung vốn cho vay đối với thành phần kinh tế này.
Quang cảnh Hội nghị
Triển khai các chương trình tín dụng đặc thù đối với ngành/lĩnh vực, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV với nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, ưu đãi về tài sản bảo đảm, cơ chế xử lý nợ đặc thù, như: chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; Chính sách hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg; Chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ NSNN theo Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP,...
Chỉ đạo các TCTD triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn, cụ thể: (i) Ban hành nhiều Thông tư, văn bản chỉ đạo với nhiều cơ chế đột phá, tạo hành lang pháp lý để TCTD tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới); (ii) Yêu cầu TCTD tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với mặt bằng lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay; (iii) Đổi mới quy trình, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xây dựng các chương trình, gói tín dụng phù hợp cho DNNVV; (iv) Nâng cao năng lực thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; (v) Thường xuyên thực hiện cơ chế đối thoại, tham vấn chính sách nhằm kết nối ngân hàng và doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là các DNNVV trong quan hệ tín dụng ngân hàng.
Tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế (ADB, JICA, WB…) triển khai các chương trình cho vay với lãi suất thấp cho DNNVV.
Để hỗ trợ DNNVV tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thực hiện Luật hỗ trợ DNNVV, NHNN đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-NHNN ngày 28/12/2018 hướng dẫn các TCTD phối hợp với Quỹ bảo lãnh tín dụng trong cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ BLTD tại các địa phương; chỉ đạo các TCTD phối hợp Quỹ Phát triển DNNVV để cho vay DNNVV từ nguồn vốn của Quỹ Phát triển DNNVV.
Ngoài ra, NHCSXH đang triển khai nhiểu chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với DNNVV như: hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn 0% để trả lương ngừng việc cho người lao động do ảnh hưởng dịch Covid-19; cho vay đối với DN tại vùng khó khăn (lãi suất 9%); cho vay lãi suất ưu đãi DN sử dụng lao động là người khuyết tật, người DTTS, cho vay hỗ trợ lãi suất 2% từ NSNN theo Chương trình phục hồi và Phát triển kinh tế theo Nghị định 36/2022/NĐ-CP,…
DNNVV vẫn gặp khó về vốn
Mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Theo Thống đốc, nhiệm vụ của NHNN không chỉ kiềm chế lạm phát, điều hành để giảm mặt bằng lãi suất, mà còn phải ổn định thị trường ngoại hối, bảo đảm an toàn thanh khoản cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Người đứng đầu ngành ngân hàng chia sẻ với những khó khăn của DNNVV, trong đó, không ít DNNVV có năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm, hơn nữa, nhiều doanh nghiệp thiếu vị thế, uy tín trên thị trường về sản phẩm, thương hiệu nên việc tiếp cận vốn gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo NHNN đề nghị các ngân hàng, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần trao đổi để đưa ra các giải pháp đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV kiến nghị "nới" các điều kiện cho vay DNNVV, làm sao thông thoáng hơn. Thực tế đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất…, tuy nhiên, với tỉ lệ 60% doanh nghiệp siêu nhỏ, khoảng 2-3% doanh nghiệp vừa sẽ rất khó tiếp cận vốn với các điều kiện như hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phát biểu - Ảnh: VGP
"Nếu không có giải pháp đồng bộ từ trên xuống, các ngân hàng không thể đột phá được, bị bó về mặt cơ chế thì ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay DNNVV cũng không đơn giản", ông Nguyễn Văn Thân nói.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên thì cho rằng, khá nhiều doanh nghiệp muốn được giãn nợ, hoãn nợ, nếu các ngân hàng siết nợ có thể dẫn đến phá sản. Có không ít DNNVV sức cạnh tranh thấp hiện nay không dám vay mở rộng sản xuất kinh doanh.
Dưới góc độ tổ chức tín dụng (TCTD), Phó Tổng Giám đốc Agribank Nguyễn Quang Hùng bày tỏ, ngân hàng xác định DNNVV là phân khúc khách hàng chính thể hiện vai trò vị thế Agribank với hơn 20.000 khách là DNNVV quy mô trên vay vốn trên 350.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo Agribank chia sẻ một giải pháp của ngân hàng, là chính sách tín dụng đi theo hướng liên kết doanh nghiệp quản lý đầu vào nhóm này đầu ra nhóm kia, mục tiêu quản lý dòng tiền khách hàng doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tăng cường khả năng đánh giá nhận biết phương án kinh doanh của doanh nghiệp thay vì chỉ quan tâm đến tài sản thế chấp, quan tâm dòng tiền.
Cần có cơ chế đột phá và nỗ lực từ các bên
Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận các đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng và khẳng định sẽ tổng hợp thành các nhóm kiến nghị đề xuất lớn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú: Về điều hành lãi suất, nếu điều kiện thuận lợi từ nay đến cuối năm NHNN sẽ tiếp tục có động thái tích cực, phù hợp các điều kiện đặt ra - Ảnh: VGP
Các vấn đề chính doanh nghiệp kỳ vọng là: Tiếp tục hạ lãi suất tạo điều kiện cho các DNNVV, trong đó cả lãi suất ngoại tệ, lãi suất vay tiêu dùng. Các doanh nghiệp kỳ vọng được hoãn, giãn khoản nợ như giai đoạn dịch COVID-19; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, giảm các khoản phí, vướng mắc về vấn đề tài sản đảm bảo, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn.
Tiếp tục rà soát, thông qua Luật hỗ trợ DNNVV, cùng các nghị định, thông tư liên quan hướng dẫn việc quỹ hỗ trợ, bảo lãnh, tăng cường nguồn lực tài chính, năng lực quản trị cho DNNVV.
Phó Thống đốc đánh giá cao sự vào cuộc của các TCTD, trong đó Agribank luôn có tỉ trọng cao nhất, cho vay nhiều món nhỏ lẻ, tạo điều kiện cho DNNVV.
Về định hướng thời gian tới, Phó Thống đốc khẳng định NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt, chủ động, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Trong năm nay tiếp tục duy trì chính sách lãi suất hợp lý, ổn định.
NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; khuyến khích các TCTD mở rộng mạng lưới hoạt động ở những nơi chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng .
Triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng, các chương trình tín dụng đối với đối tượng ưu tiên, tín dụng chính sách trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong cho vay các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách trên toàn quốc...
Với các TCTD, lãnh đạo NHNN đề nghị cần tiếp tục tập trung vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tháo gỡ khó khăn. Cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, bảo đảm phù hợp với các quy định của pháp luật.
UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng triển khai Chương trình kết nối - ngân hàng và doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của DNNVV.
Bản thân các DNNVV cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.
Đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Định hướng giải pháp tín dụng trong thời gian tới
Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, ngành ngân hàng tập trung vào một số các giải pháp sau:
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.
Đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; Chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.
Tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách HTLS theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV.
Ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp, cụ thể:
Các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DNNVV quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV: (i) Rà soát, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 34/2018/NĐ-CP theo hướng tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các Quỹ bảo lãnh DNNVV hiện nay, xem xét xây dựng cơ chế tạo nguồn quỹ dự phòng rủi ro của Quỹ, đảm bảo khi rủi ro xảy ra Quỹ có khả năng xử lý mà vẫn bảo toàn được vốn điều lệ (Bộ Tài chính); (ii) Trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó cho phép Quỹ Phát triển DNNVV sớm triển khai hoạt động cho vay trực tiếp đối với DNNVV; (iii) Nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ DNNVV, tích hợp với cổng thông tin DNNVV của ASEAN và của các Bộ, ngành (Thuế, Hải quan…) tạo cơ sở hình thành kho dữ liệu về DNNVV, giúp các TCTD giảm thời gian thu thập thông tin và thẩm định cho vay đối với DNNVV.
UBND các tỉnh, thành phố quan tâm cấp vốn và đẩy nhanh việc kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Quỹ bảo lãnh cho DNNVV; Tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng triển khai Chương trình kết nối – ngân hàng doanh nghiệp để nắm bắt và xử lý kịp thời các khó khăn của DNNVV.
Các Hiệp hội ngành nghề cần nâng cao vai trò, tầm ảnh hưởng của mình làm cầu nối cho DNNVV tiếp cận với các TCTD; đầu mối trong việc hỗ trợ cho các DNNVV về thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại, triển lãm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp thành viên.
Các DNNVV cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các TCTD thẩm định cho vay.
PV.