Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế. Ảnh: VGP/Đức Tuân
Chiều nay, 11/2, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp về các dự án kết cấu hạ tầng giao thông trong chương trình phục hồi kinh tế.
Cuộc họp có sự tham dự của 22 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến.
Chuẩn bị đầu tư thêm hơn 1.000 km đường cao tốc
Hiện nay cả nước đang tích cực hoàn thiện các công tác chuẩn bị đầu tư nhiều dự án đường bộ cao tốc, trong đó có 5 dự án quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư là các đoạn tuyến Vành đai 3 TPHCM, Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị đầu tư các đoạn trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội chấp thuận đầu tư trước đó.
Báo cáo về tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án cao tốc khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ đang nỗ lực hoàn thiện các thủ tục để kịp trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án quan trọng quốc gia tại kỳ họp tới.
Theo đó, các mốc tiến độ chủ yếu cần đáp ứng gồm: Hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 13/2; hoàn thiện thủ tục để Thủ tướng có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước trước ngày 16/2; Hội đồng thẩm định Nhà nước tổ chức thẩm định, có kết quả thẩm định trước ngày 4/3. Hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chủ trương đầu tư trước ngày 20/3.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dự kiến dài 53,7 km, tổng vốn hơn 17.800 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã hoàn thiện lại hồ sơ theo phương thức đầu tư công, trình Thủ tướng Chính phủ ngày 11/2/2022.
Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài hơn 188 km, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 45.000 tỷ đồng. Hiện Bộ GTVT đã hoàn thiện lại hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đầu tư công và đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ ngày 11/2/2021.
Dự án cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5 km, dự kiến tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, nhằm kết nối Tây Nguyên với miền Trung, với các cảng biển nước sâu; đáp ứng nhu cầu vận tải, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian, chi phí vận tải và bảo đảm an toàn giao thông, tạo động lực liên kết, lan tỏa thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên với Nam Trung Bộ nói chung.
Theo Bộ GTVT, để đồng bộ với việc trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia tại kỳ họp tháng 5/2022 của Quốc hội, các dự án nhóm A cần được sớm phê duyệt chủ trương đầu tư trước thời điểm họp Quốc hội.
Với các dự án nhóm A, Bộ GTVT chủ trì 1 dự án là cao tốc An Hữu-Cao Lãnh, hiện đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đang rà soát hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ muộn nhất trước 16/2/2022; bảo đảm tiến độ Thủ tướng Chính phủ có quyết định chủ trương đầu tư dự án trước ngày 31/3/2022.
Dự án do các địa phương chủ trì có 3 dự án: Cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu, dài 85 km; cao tốc Hà Giang-Tuyên Quang, dài 118 km; cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng, dài hơn 86 km.
Các ý kiến tại cuộc họp đều khẳng định, cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để sớm khởi công các dự án nhằm phát huy hiệu quả của Chương trình phục hồi kinh tế, chỉ kéo dài trong 2 năm 2022-2023. Mỗi bộ, địa phương liên quan nên thành lập các tổ công tác để tập trung cho dự án; phân cấp cho các địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với dự án.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã thành lập Tổ công tác Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội do Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ công tác đã rà soát, thống nhất kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể bảo đảm tiến độ báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị và trình Quốc hội.
Ngày 25/2 tới đây, UBND TP. Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên sẽ trình hồ sơ. Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội mong muốn các bộ, ngành, cơ quan thẩm định Nhà nước của Bộ KH&ĐT phối hợp, đồng hành với Hà Nội để kịp mục tiêu tiến độ.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan phải bám sát tiến độ, quyết liệt tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc . Ảnh: VGP/Đức Tuân
Về Dự án Vành đai 3 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố đã khẩn trương hoàn thành hồ sơ gửi về Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT trước Tết Nguyên đán. Thành phố cũng đã cử đầy đủ các thành phần tham gia thẩm định, sẵn sàng cho việc thẩm định của Hội đồng thẩm định quốc gia.
Cả Hà Nội và TPHCM đều khẳng định quyết tâm trình dự án vào kỳ họp Quốc hội vào tháng 5/2022.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tại Anh Tuấn, Dự án Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án Vành đai 3 TPHCM là 2 dự án quan trọng để tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội, nhưng gặp khó khăn về nguồn vốn và mặt bằng.
"Hiện có cơ hội để đẩy nhanh triển khai, càng chậm càng khó thực hiện. Nên cần quyết tâm chính trị cao, còn những vướng mắc về kỹ thuật thì các bộ, ngành sẽ phối hợp giải quyết", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Trách nhiệm cao, khối lượng công việc đặc biệt lớn
"Các mốc tiến độ đang rất gần", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành mở đầu phát biểu kết luận và ghi nhận sự chuyển biến trong chuẩn bị các dự án đầu tư.
Phó Thủ tướng nêu rõ, phát triển đường cao tốc sẽ tạo ra động lực mới phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương mà tuyến cao tốc đi qua. Nếu đường cao tốc được làm sớm thì sẽ giảm chi phí rất lớn. Một số tuyến cao tốc đã được quy hoạch cách đây nhiều năm, nhưng vẫn chưa triển khai được, "bây giờ, chúng ta cố gắng triển khai, tạo ra động lực lớn và chi phí sẽ thấp hơn so với để lại sau này triển khai".
Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để phát triển đường cao tốc trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Quốc hội đã có nghị quyết dành nguồn lực lớn cho phát triển hạ tầng giao thông trong Chương trình phục hồi kinh tế xã hội. Nhấn mạnh đây là thời cơ cho nền kinh tế, cũng như các địa phương để hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng lấy ví dụ, một nhiệm kỳ ngành GTVT có thể được phân bổ 300- 400 nghìn tỷ đồng, nhưng dành cho phát triển cao tốc chỉ khoảng 70 nghìn tỷ đồng, trong khi đó, tổng nguồn lực dành cho cao tốc trong giai đoạn này lên tới 300-400 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, khó khăn cũng rất lớn trong quá trình phát triển cao tốc, gồm khâu giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu xây dựng… Đặc biệt, trong thời gian 2 năm phải giải ngân hết số vốn mà Chương trình phục hồi kinh tế đã bố trí. Tổng hợp chung, chỉ trong thời gian từ nay đến 2025, phải hoàn thành đầu tư xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc.
Cuộc họp có sự tham dự của 22 tỉnh, thành phố tại các đầu cầu trực tuyến. Ảnh: VGP/Đức Tuân
"Khối lượng công việc là đặc biệt lớn mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nói.
Phó Thủ tướng nêu rõ, khối lượng công việc lớn, lại phải triển khai trong thời gian rất ngắn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực sự nỗ lực, quyết liệt, đổi mới để "chạy đua với thời gian", khẩn trương hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2022; khởi công đồng loạt trong năm 2022, hoàn thành trong năm 2024-2025. Nếu không bảo đảm các mốc tiến độ này, sẽ không thể giải ngân hết số vốn đã bố trí, bỏ lỡ cơ hội để phát triển.
Đối với Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội, Phó Thủ tướng đề nghị sớm kết thúc việc thẩm định hồ sơ, bảo đảm từ nay đến 25/2/2022 có kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đối với Dự án đường Vành đai 3 TPHCM và cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hoà-Vũng Tàu, cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, khẩn trương thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước, hoàn thành công tác thẩm định trong tháng 2/2022.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 18 /NQ-CP triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đề ra nhiều nhiệm vụ, trong đó có việc giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng.
"Các địa phương cần chuẩn bị sớm, giao cho giám đốc các sở khảo sát, đánh giá trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để xác định nguồn vật liệu xây dựng", Phó Thủ tướng nêu rõ, địa phương chỉ được cấp phép khai thác vật liệu xây dựng trực tiếp cho các nhà thầu thi công cao tốc, không qua trung gian.
Ngoài vật liệu xây dựng và năng lực nhà thầu, tiến độ thi công công trình nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ giải phóng mặt bằng. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương triển khai song song các bước, rút ngắn tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 18 của Chính phủ.
"Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết tâm và sẽ đồng hành cùng với các địa phương để bảo đảm chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng các đoạn, tuyến cao tốc mới, đẩy nhanh tiến độ triển khai các đoạn tuyến cao tốc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư", Phó Thủ tướng khẳng định.