Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại buổi lễ
Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2012 có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gồm: Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương – Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Ngoài ra còn có các đồng chí Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, cơ quan Trung ương, Lãnh đạo các UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Sở, ban, ngành địa phương và các đồng chí Ủy viên Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cùng các thành viên Ban chuyên gia, Ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và đại diện Lãnh đạo các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Tổng số đại biểu tham dự trên 1000 đại biểu.
Chương trình THQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai. Mục đích của chương trình nhằm xây dựng hình ảnh về Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hóa và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao. Đồng thời nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực tiên phong.
Bệ phóng vững chắc cho doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu Quốc gia Việt Nam - nhấn mạnh: Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn và duy nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện từ năm 2003. Với vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Chương trình, Bộ Công Thương đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, hiệp hội ngành hàng và các đối tác quốc tế triển khai có hiệu quả 3 nội dung cơ bản của Chương trình, gồm: Nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của thương hiệu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng lực xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu cho doanh nghiệp; tuyên truyền, quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam gắn với quảng bá sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
“Sau gần 20 năm triển khai thực hiện, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trở thành bệ phóng vững chắc cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới, kiến tạo những giá trị, sức mạnh mới cho đất nước”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ. Thông qua Chương trình, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò, tầm quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị của sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Từ đó, thúc đẩy xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và nước ngoài. Số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam liên tục tăng qua các kỳ xét chọn đã khẳng định được vai trò tiên phong, tạo hiệu ứng lan tỏa, dẫn dắt, nâng đỡ các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi Lễ
Năm 2022, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tình hình địa chính trị bất ổn trên thế giới đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, kỳ xét chọn THQG lần thứ 8 tiếp tục thu hút được sự quan tâm tham gia của trên 1.000 doanh nghiệp thuộc các ngành nghề lĩnh vực khác nhau trên cả nước
Các hồ sơ đăng ký xét chọn được đánh giá, thẩm định theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định số 30/2014/QĐ-TTg, Thông tư số 33/2014/TT-BCT quy định hệ thống tiêu chí của Chương trình THQG Việt Nam và Thông tư số 25/2001/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33/2014/TTBCT. Để thực hiện quy trình xét chọn, Ban Thư ký đã mời các chuyên gia của Chương trình tham gia chấm hồ sơ. Đồng thời, Ban thư ký đã thuê tổ chức chuyên ngành độc lập thực hiện khảo sát khả năng nhận biết thương hiệu, đánh giá sức khỏe tài chính, xếp hạng tín dụng với mỗi hồ sơ và xin ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành về chấp hành pháp luật chuyên ngành về thuế, hải quan, môi trường, lao động và bảo hiểm.
Sau hơn 9 tháng phát động và triển khai hoạt động xét chọn, ngày 29 tháng 9 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng THQG Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1977/QĐ-BCT công nhận 172 doanh nghiệp với tổng số 325 sản phẩm đạt THQG Việt Nam năm 2022. Như vậy, so với năm 2020, năm nay cả nước đã có thêm 48 doanh nghiệp có sản phẩm đạt THQG Việt Nam. Đây là minh chứng cho sức hút và tầm ảnh hưởng của Chương trình đối với doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều báo đài trung ương và địa phương
Lễ Công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam là dịp ghi nhận và vinh danh các sản phẩm có chất lượng hàng đầu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao, có uy tín trên thị trường và đại diện cho Thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.
Nâng tầm Thương hiệu Quốc gia - Nhiệm vụ chiến lược
Tại Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chúc mừng 172 doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia năm 2022. Đồng thời, biểu dương Hội đồng Thương hiệu Quốc gia, Bộ Công Thương đã tích cực chỉ đạo, triển khai đạt kết quả tốt trong các hoạt động xây dựng, quảng bá Thương hiệu Quốc gia, góp phần củng cố, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định xây dựng Thương hiệu quốc gia là một nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế. “Đây cũng chính là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Bên cạnh sự phát triển của Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, giá trị thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước có mức tăng trưởng 36%.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng sự nỗ lực và những đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của những doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được vinh danh lần này”- Thủ tướng biểu dương.
Mặc dù những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chương trình Thương hiệu Việt Nam là rất đáng trân trọng song Thủ tướng lưu ý, tạo ra được thương hiệu rất khó, duy trì được thương hiệu khó gấp trăm nghìn lần. Đặc biệt, trong thế giới biến động phức tạp, khó lường như hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và nâng tầm Thương hiệu Quốc gia có ý nghĩa chiến lược. Đây cũng là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng hết sức vẻ vang của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Đại diện các doanh nghiệp nhận biểu trưng vinh danh các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam năm 2022
Bên lề sự kiện Lễ Công bố và trao biểu trưng, một số doanh nghiệp cũng tổ chức trưng bày các sản phẩm được công nhận đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam để các đại biểu tham quan và trải nghiệm.
PV.