Các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 5 tháng cuối năm của ngành Công Thương

Đăng ngày: 04/08/2021 , 08:00 GMT+7

Những tháng cuối năm nay, kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc so với cùng kỳ năm 2020 và so với hiện tại cùng với hy vọng từ những nỗ lực trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 sẽ có những kết quả khả quan.

 

Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức đến từ: (i) các biến chủng mới của dịch Covid-19; (ii) lạm phát, giá cả có khả năng tăng cao đến hết năm 2021; (iii) chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng chính trị, thương mại giữa các quốc gia lớn. Tình hình trong nước vẫn đang gặp khó khăn, thách thức, nhất là khi tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ở các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa du lịch đã qua, ảnh hưởng tới các Chương trình kích cầu tiêu dùng. Nhiệm vụ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 rất thách thức, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải nỗ lực và có giải pháp phù hợp.

Ảnh minh họa: VH

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp, các Sở Công Thương và các đơn vị trực thuộc cần tập trung triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành tại Quyết định số 163/QĐ-BCT; Quyết định số 164/QĐ-BCT ngày 19 tháng 01 năm 2021.

Cụ thể, trong thời gian tới tiếp tục tập trung quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang; kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch bệnh. Chủ động xây dựng các phương án chống dịch bệnh, sẵn sàng đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ quan, đơn vị, tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thuộc phạm vi của cơ quan, đơn vị.

Tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 1612/QĐ-BCT ngày 23 tháng 6 năm 2021 về Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nỗ lực cao nhất để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho ngành Công Thương trong năm 2021.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo phân phối hàng hóa hợp lý giữa các vùng miền, ổn định cung cầu - giá cả và lưu thông hàng hóa trên địa bàn cả nước. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.

Đối với mặt hàng xăng dầu, tiếp tục theo dõi sát diễn biến của giá dầu thế giới do tác động của dịch bệnh để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với diễn biến của giá thành phẩm xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế xã hội trong nước (bảo đảm tính thị trường),giảm thiểu sự tác động đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tham mưu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hỗ trợ lưu thông hàng hóa, đảm bảo các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân được lưu thông thông suốt theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31 tháng 3 năm 2020 của về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa việc tồn ứ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng trong khâu lưu thông.

Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương để theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị hướng xử lý các bất ổn của thị trường, đặc biệt là một số mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu và điều phối giữa các địa phương khi cần.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại trong nước ở các địa phương. Chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương đối với hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số (trong điều kiện giãn cách xã hội). Hỗ trợ và đôn đốc các Hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, ngành hàng, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.

Chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các địa phương khẩn trương thực hiện quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 2 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đếm năm 2030”.

Hướng dẫn các sàn giao dịch thương mại điện tử tạo điều kiện cho người bán, thương nhân kinh doanh nông sản tham gia sàn, đào tạo kỹ năng và vận hành hoạt động kinh doanh trực tuyến; hỗ trợ vận chuyển; thanh toán trực tuyến; hỗ trợ và ưu tiên các thương nhân kinh doanh nông sản tham gia các Chương trình ngày mua sắm trực tuyến; Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia… Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông sản trên các kênh thương mại điện tử, hỗ trợ các địa phương thúc đẩy tiêu thụ lượng nông sản lớn (đã, đang và sẽ vào vụ thu hoạch) ở các địa phương trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín.

Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương tập trung triển khai các kế hoạch kiểm tra, giám sát thị trường, kế hoạch cao điểm; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng nông sản nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và các hành vi gian lận thương mại khác.

Thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu. Tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu; Đa dạng hoá cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh cung ứng điện; vận hành hệ thống điện quốc gia bảo đảm hiệu quả, an toàn, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Xây dựng cơ chế đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án điện mặt trời; Xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà áp dụng giai đoạn sau 2020…

Các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng rà soát thủ tục, quy trình cấp phép, thực hiện tối đa việc cấp phép trực tuyến đảm bảo đơn giản, công khai, minh bạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện kết nối liên thông các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.

Toàn ngành bám sát kịch bản tăng trưởng và các chỉ tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được Quốc hội và Chính phủ giao năm 2021, tập trung triển khai các nhiệm vụ theo đúng tiến độ tại Chương trình công tác, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

PV.

Đăng ngày: 04/08/2021 , 08:00 GMT+7

Tin liên quan

Tin Khác