Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Đăng ngày: 14/10/2021 , 21:13 GMT+7

Ngày 14/10/2021,Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam được tổ chức nhằm tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và tìm ra các giải pháp khôi phục sản xuất trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chủ trì Hội nghị

Bộ Công Thương khẳng định nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ Công Thương là đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam thực hiện mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 vừa duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến với Samsung Việt Nam và hơn 20 nhà cung ứng của Samsung Việt Nam tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung ứng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng trong thời gian sắp tới.

Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cùng sự có mặt, tham gia của Lãnh đạo Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công Thương, gồm: Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến Thương mại, Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Cục Điều tiết Điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Vụ Thị trường trong nước.

Về phía Samsung Việt Nam, có ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam; Ông Youn Chel Woon – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE COMPLEX, đại diện lãnh đạo của hơn 20 nhà cung ứng linh kiện cho Samsung tại Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Công Thương

Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Bộ Công Thương cam kết sẽ tiếp tục phối hợp triển khai, đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay như bổ sung nguồn nhân lực sản xuất, nới lỏng quy chế di chuyển giữa các tỉnh, chính sách tiêm vaccine, giảm chi phí đầu vào, hỗ trợ các loại chi phí, thuế… Bộ Công Thương sẽ là cầu nối giữa doanh nghiệp và Chính phủ, qua đó kịp thời thông tin các chính sách hỗ trợ, ưu đãi mới được ban hành cũng như tiếp thu các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”. Bên cạnh đó,Thứ trưởng cũng mong muốn phía Samsung sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo đa dạng hơn nữa về quy mô và chiều sâu nhằm thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiêp Việt Nam chuỗi cung ứng của Samsung nói riêng và chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.

Đồng cảm với Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải. Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết: “Sự ổn định của các doanh nghiệp cung ứng đóng vai trò rất quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu nói chung và Samsung Việt Nam nói riêng. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp vừa qua, Samsung Việt Nam đã nỗ lực để cùng các công ty cung ứng khắc phục thời kỳ khó khăn bằng cách thường xuyên thực hiện các chuyến thăm và làm việc với các công ty cung ứng, động viên cán bộ công nhân viên, chỉ đạo để các công ty trong mạng lưới cung ứng cùng áp dụng một phương án phòng dịch đồng nhất, hỗ trợ một phần kinh phí phòng dịch. Chúng tôi tin rằng, với những hỗ trợ kịp thời và tích cực của Bộ Công thương, những khó khăn của doanh nghiệp sẽ nhanh chóng được tháo gỡ, giúp củng cố hơn nữa lòng tin của doanh nghiệp vào Chính phủ và là động lực để các doanh nghiệp nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép”

Phát biểu tại Hội nghị, Samsung Việt Nam và các nhà cung ứng tại Việt Nam đã có kiến nghị về một số khó khăn tiêu biểu mà đa số các doanh nghiệp đang phải đối mặt do đại dịch Covid-19 như việc hoạt động dưới công suất, thậm chí có doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thiếu nhân lực, di chuyển khó khăn giữa các khu vực, nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch... Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu giãn cách vẫn tiếp tục kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, quy định, kiểm soát lưu thông hàng hoá chưa phù hợp và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; một số quy định về phòng, chống dịch thiếu tính khả thi, không còn phù hợp với tình trạng “bình thường mới”, khi mà cách tiếp cận về phòng, chống dịch đã thay đổi, và ngày càng có nhiều người tiêm đủ liều vắc xin, hoặc đã điều trị khỏi COVID-19.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã trực tiếp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ Công Thương giải đáp, xử lý các kiến nghị của Samsung và các nhà cung cấp liên quan tới việc giảm giá điện, đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho công tác xuất khẩu tại các cảng biển lớn, cập nhật các quy định mới của Chính phủ liên quan tới Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid 19”. Thời gian sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tích cực làm việc với các địa phương nhằm tạo điều kiện cho các nhà cung ứng của Samsung tiếp tục duy trì hoạt động và nâng dần công suất.

Trên tinh thần hợp tác bền vững và lâu dài, Bộ Công thương và Samsung Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, cải tiến doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà cung ứng cấp 1 và cấp 2 tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành công nghiệp Việt Nam nói chung.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp công nghiệp đã để lại hậu quả nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế. Các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 85% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistics... và đặc biệt là tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động trực tiếp cũng như gián tiếp trong các ngành nghề liên quan. Việc gián đoạn quá trình tham gia chuỗi giá trị toàn cầu do đó sẽ làm tăng nhập siêu, ảnh hưởng đến cán cân thương mại quốc tế của Việt Nam, đồng thời cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến an sinh xã hội và kinh tế vĩ mô Việt Nam trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

PV.

Đăng ngày: 14/10/2021 , 21:13 GMT+7

Tin liên quan