Quang cảnh buổi Tọa đàm
Buổi tọa đàm đã thu hút sự tham gia của nhiều ban, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu trong các viện, trường và các hiệp hội ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại cùng các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI.
Với 5 báo cáo của phiên tọa đàm chính cùng nhiều ý kiến tại phiên thảo luận bàn tròn, các đại biểu đã phân tích, làm rõ kết quả đạt được cũng những tồn tại, hạn chế trong tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm 2023 của kinh tế Việt Nam, đánh giá tổng cầu nền kinh tế trong bối cảnh mới. Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp về kinh tế vĩ mô 6 tháng cuối năm 2023 cũng như trong trung và dài hạn.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục triển khai các giải pháp, chính sách kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước, tăng cường kết nối cung-cầu hàng hóa; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường truyền thống; khai thác hiệu quả, thực chất hơn nữa các FTA đã ký kết cũng như sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết các FTA mới nhằm phát triển các thị trường mới, tiềm năng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, từ đầu năm 2023 đến nay, kinh tế thế giới vẫn gặp nhiều bất ổn xuất phát từ lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao. Các ngân hàng Trung ương tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt, nhiều nền kinh tế lớn đã tăng trưởng chậm lại và các yếu tố chính trị như chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang còn diễn biến khá phức tạp.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 tình hình dịch Covid-19 lúc đó).
Về nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế, từ nguồn ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt khoảng 232,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 33% so với kế hoạch năm. Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, so với mức tăng trong năm 2022 là 9,5%. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ, so với mức tăng 7,9% trong năm 2022.
Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm. Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% - lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%. Bên cạnh đó, gói hỗ trợ phục hồi kinh tế cho giai đoạn 2 năm 2022-2023, mặc dù đã qua 1 năm rưỡi, nhưng số tiền đã giải ngân còn rất thấp, chưa tạo được sự hỗ trợ kịp thời cho các khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải.
Theo PGS.TS Nguyễn Thành Hiếu, sự sụt giảm mạnh tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam làm cho mục tiêu tăng trưởng 6,5% đề ra của năm 2023 trở nên khó thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và sản xuất trong nước còn chưa hồi phục sau đại dịch.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nhìn ở góc độ lạc quan, tăng trưởng của nền kinh tế hồi phục nhẹ, các chỉ số đều ở mức thấp so với điều kiện bình thường và có nguy cơ kéo dài. Chỉ số tăng trưởng các nhóm ngành trong quý II có thể thấy nền tảng phục hồi chưa chắc chắn, mặc dù tăng trưởng GDP quý II cải thiện hơn so với quý I nhưng vẫn còn ở dưới xa con số trung bình 5 năm của giai đoạn trước Covid-19. Trong quý II/2023, nhiều ngành nghề suy giảm mạnh đặc biệt những ngành liên quan công nghiệp chế biến chế tạo, hướng đến xuất khẩu. Công nghiệp chế biến chế tạo liên quan đến xuất khẩu và bất động sản sụt giảm mạnh dịch vụ lưu trú và ăn uống không còn đột biến; dịch vụ tài chính tăng chậm lại trong khi kinh doanh bất động sản tiếp tục suy giảm; sản xuất và phân phối điện cải thiện nhờ yếu tố thời tiết. Tăng trưởng GDP quý II được hỗ trợ nhiều bởi khu vực xây dựng (chủ yếu đến từ đầu tư công) và đến từ những thứ không phải mang ý nghĩa phục hồi chắc chắn của nền kinh tế. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp nói chung và sản xuất chế biến chế tạo nói riêng trong quý II lần lượt tăng 1,56% và 1,18%, nhưng chỉ số sản xuất của các ngành này gần như không đổi.
Về lạm phát, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng lạm phát bắt đầu giảm mạnh từ cuối năm 2022, một phần thể hiện sức cầu yếu của nền kinh tế, thu nhập của người dân giảm sút. Ngoài ra, thị trường tài sản của Việt Nam giảm rất mạnh từ cuối quý IV đến quý I năm nay kéo theo tiêu dùng cắt giảm nhanh. Hai yếu tố khác khiến lạm phát giảm còn do cung tiền tăng chậm, lãi suất cao và giá các loại nguyên nhiên vật liệu giảm đáng kể so với 2022. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, điểm cần lưu ý là lạm phát lõi đang giảm rất chậm, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74%.
Theo các chuyên gia kinh tế, nước ta đã trải qua nửa đầu năm 2023 đầy khó khăn, thách thức, mức tăng trưởng 3,72% dù thấp nhưng đã thể hiện được sự nỗ lực lớn của mọi lĩnh vực kinh tế. Tất cả các thành phần tổng cầu của nền kinh tế đều suy giảm hoặc tăng trưởng thấp. Trước hàng loạt khó khăn về thị trường, vốn, giá cả đầu vào tăng cao, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tìm được giải pháp để thoát khỏi khó khăn. Việc thực thi Chương trình phục hồi kinh tế và triển khai các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vẫn còn chưa kịp thời ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của khu vực doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp sản xuất.
Dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới cho biết: "Dự báo năm 2023 GDP Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng dưới 5%. Phục hồi đến khoảng 5,5-6% vào năm 2024". Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB),sự thiếu hụt tổng cầu (bao gồm các cấu phần tiêu dùng, đầu tư, chi tiêu của Chính phủ, xuất khẩu ròng) nếu kéo dài sẽ hạn chế tổng cung làm cho tăng trưởng kinh tế thấp. Tổng cầu tăng sẽ kích tổng cung, các doanh nghiệp tiêu thụ được hàng thì sản xuất sẽ được kích hoạt, kinh tế mới có thể phục hồi và tăng trưởng. “Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương có những biện pháp thích hợp, kịp thời để phục hồi tổng cầu, phát triển kinh tế trong bối cảnh mới” - đại diện WB khuyến nghị.
Tại phiên hỏi đáp, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp thiết thực phục hồi nền kinh tế
Bàn về cơ chế, chính sách, nhiều ý kiến cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ rào cản, xây dựng thể chế cho phát triển các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; sớm hoàn thiện các quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; có cơ chế, chính sách xử lý các trường hợp các bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Vũ Trìu