Các Công điện của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ DN cả trong ngắn hạn, dài hạn

Đăng ngày: 22/12/2022 , 10:19 GMT+7

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 4 Công điện liên quan đến các vấn đề nóng: Tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và lao động. Chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ được các chuyên gia đánh giá là "rất quyết liệt và kịp thời" trong bối cảnh những khó khăn phát sinh cần khẩn trương khơi thông, để thúc đẩy tăng trưởng cũng như giảm thiểu phát sinh những vấn đề xã hội.

Ảnh minh họa

Các chuyên gia cho rằng thời gian qua, khó khăn phát sinh sau đại dịch cũng như tác động  của kinh tế thế giới khiến các DN, nhà đầu tư đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tín dụng, vốn, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Do đó, 4 Công điện của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào 4 vấn đề nóng nền kinh tế là: Tín dụng, TPDN, bất động sản (BĐS) và lao động.

Theo các chuyên gia, đây là 4 vấn đề phát sinh và nổi lên sau dịch bệnh, nhất là lại vào dịp cuối năm, khi bối cảnh kinh tế thế giới ngày một ảm đạm, trong khi nhu cầu vốn, nhu cầu thanh khoản thị trường chứng khoán, BĐS cũng như vấn đề về lao động, việc làm đều tăng mạnh.

"Giải cứu" khó khăn về vốn cho DN có tiềm năng tốt

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV đánh giá: Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế" của Thủ tướng là chỉ đạo hết sức kịp thời, cụ thể, đáp ứng đúng yêu cầu cung ứng vốn của nền kinh tế, DN vào cuối năm. Thủ tướng chỉ đạo cần tính toán lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế đến cuối năm và năm tới cũng như bảo đảm dòng vốn tín dụng phải có tính lan toả nhanh, ít rủi ro, góp phần quan trọng hỗ trợ DN, người dân sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có quyết định nới room tăng thêm 1,5-2% cho đến cuối năm. "Hiện các ngân hàng về cơ bản tích cực giải ngân. Tôi tin rằng, câu chuyện giải ngân hấp thụ từ nay cuối năm là rất tốt, không nên quá quan ngại rủi ro, vì thực tế đã có khá nhiều hồ sơ đang chờ giải ngân", ông Cấn Văn Lực nói.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định: Có rất nhiều DN cần vốn cho quá trình sản xuất các đơn hàng cuối năm phục vụ cho làm hàng hoá xuất khẩu cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Trong khi đó, trước khi có chỉ đạo của Chính phủ, không ít DN khó tiếp cận vốn, do nhiều ngân hàng đã thông báo "cạn" chỉ tiêu về định mức tín dụng, hết room tín dụng nên không cho vay được. Tất nhiên, nhìn rộng ra, đây vẫn là vấn đề đặc thù vì bởi ở nhiều nước, các DN có nguồn vốn đa dạng hơn, còn ở Việt Nam, nhiều DN vẫn "quen vay" vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.

‎Tuy nhiên, vừa qua có một số vụ việc tiêu cực, việc phát hành TPDN gặp nhiều khó khăn khiến không ít nhà đầu tư cá nhân suy giảm lòng tin, dù cơ quan quản lý đang có những động thái quyết liệt chỉnh đốn thị trường. Cần thấy rằng, những chấn chỉnh về khuôn khổ pháp lý thị trường vẫn có độ trễ, cần thời gian triển khai, chưa thể mang lại tác động ngay. Trong khi tình hình hết sức bức thiết, Thủ tướng đã kịp thời ban hành Công điện số 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế".

"Đây là chỉ đạo quan trọng "giải cứu" trong ngắn hạn để DN, hộ kinh doanh không bị đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như trợ lực cho sản xuất kinh doanh thuật lợi hơn", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nói.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này lưu ý trong triển khai phải kịp thời và cần nỗ lực từ các ngân hàng và DN.

Chuyên gia Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm chỉ đạo NHNN là vốn tín dụng phải đưa vào các lĩnh vực ưu tiên, hướng vào sản xuất kinh doanh. Do đó, dù nới room tín dụng nhưng lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng không hạ chuẩn cho vay, hướng tín dụng tới các DN có điều kiện vay vốn tốt để bảo đảm an toàn hệ thống.

Chuyên gia này phân tích thêm, một số lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro hoặc không tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế sẽ không dễ tiếp cận vốn trong dịp cuối năm.

Đơn cử, lĩnh vực BĐS, tín dụng cho người có nhu cầu thực mua nhà hoặc sửa chữa nhà ở sẽ được ưu tiên hơn, trong khi việc kinh doanh hay đầu cơ bất động sản sẽ rất khó vay tiền.

Dù NHNN có biện pháp hỗ trợ khác như nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cũng như nỗ lực cung ứng vốn giá rẻ cho các ngân hàng, thì các ngân hàng thương mại vẫn phải xem xét kỹ càng trước khi cho vay.

Đặc biệt, nếu phân tích tình hình hiện nay, có không ít ngân hàng gặp khó khăn khi huy động, tỉ lệ tăng vốn huy động thấp so với tín dụng. Khi tiếp tục triển khai dư địa tín dụng còn lại, chính các ngân hàng sẽ phải cân nhắc kỹ việc phân bổ room tín dụng cho các chi nhánh để có đầu ra vốn hợp lý nhất.

"Bản thân các DN khi tiếp cận vốn cần chuẩn bị tốt các điều kiện, không có nợ xấu, đồng thời phải có phương án sử dụng vốn vay hợp lý, có tài sản thế chấp... DN cần hiểu rằng việc nới room toàn diện cho các ngân hàng trong nền kinh tế không có nghĩa các DN cứ đến vay tiền là được", ông Đinh Trọng Thịnh lưu ý.

‎Khuôn khổ pháp lý TPDN cần phù hợp với "sức khoẻ" DN

Về thị trường TPDN, chuyên gia Định Trọng Thịnh cho rằng thời gian qua, có một số vụ việc tiêu cực, một số cá nhân, chủ DN lợi dụng kẽ hở quy định phát hành TPDN có nhiều rủi ro, do đó, việc cơ quan quản lý chấn chỉnh thị trường là hết sức cần thiết. 

Tuy nhiên, Nghị định 65 lại theo hướng thắt quá chặt, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến DN khó phát hành TPDN cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo… Do đó, nếu không chỉnh sửa kịp thời thì trong năm 2023 các DN sẽ rất khó phát hành trái phiếu.

Để giải quyết toàn diện vấn đề của thị trường TPDN, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1163/CĐ-TTg ngày 13/12/2022 "về thị trường trái phiếu DN" để kịp thời gỡ vướng, "cứu" những DN có tiềm năng hồi phục phát triển.

Vị chuyên gia này cho rằng quan trọng nhất là các cơ quan chức năng khi soạn thảo cần có giải pháp chỉnh sửa Nghị định 65 cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Phân tích sâu thêm về việc sửa đổi Nghị định 65, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh một số mục tiêu mà quy định mới cần đạt được. Thứ nhất, Nghị định sửa đổi cần tháo gỡ kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ và công chúng. 

Thứ hai cần sớm có phương án để tháo gỡ vướng mắc thị trường TPDN, nhất là trái phiếu do các DN BĐS sẽ đáo hạn trong 2 năm tới, cần phải tính toán ngay phương án phù hợp khả thi.

Thứ ba là tiếp tục rà soát quy định pháp luật như: Luật các Tổ chức tín dụng, rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp…

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực

Về vấn đề TPDN, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tình hình rất "nóng", bởi DN đang rất cần nguồn lực thanh khoản, cũng như có thêm vốn sản xuất kinh doanh trung và dài hạn.

Về sửa đổi Nghị định 65, vị chuyên gia này đồng tình với một số nội dung mà Bộ Tài chính đang điều chỉnh trong dự thảo sửa đổi về 3 vấn đề chính liên quan như: Giãn thời gian áp dụng tiêu chí nhà đầu tư chuyên nghiệp (tạm thời kéo dài thời hạn quy định hiện hành); xem xét chưa áp dụng ngay quy định về xếp hạng tín nhiệm; dự thảo Nghị định sửa đổi cho phép các nhà phát hành có điều kiện đàm phán với các nhà đầu tư giãn hoãn nợ trái phiếu.

Bên cạnh đó, chuyên gia Cấn Văn Lực góp ý thêm với cơ quan soạn thảo cần chú ý 3 điểm. Thứ nhất là trong Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính cần quan tâm mở rộng phát triển hơn nữa đối tượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, gồm các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ, bởi vì đây là nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp lớn. Sự tham gia các nhà đầu tư tổ chức lớn giúp thị trường giống với thông lệ quốc tế hơn.

Thứ hai, dù quy định giãn thời gian quy định xếp hạng nhưng cũng cần có quy định cụ thể hơn là sau một năm nữa thì DN nào theo tiêu chí xếp hạng tín nhiệm nào, chứ không nên gom tất cả chung chung như nhau, đồng thời cần có lộ trình nâng cao năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Thứ ba, với nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân thì trước mắt kéo dài thời gian áp dụng quy định hiện hành thêm một năm là cần thiết nhưng khi áp dụng quy định mới cần cân nhắc kỹ hơn lộ trình triển khai cho hợp lý.

Nếu áp dụng quy định "để mua trái phiếu DN phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng trong 6 tháng" là quá dài, không thực tế, nên áp dụng theo lộ trình có thể là 1, 2, 3 tháng… rồi tăng dần. Nếu không sẽ rất khó phát triển được các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân", TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Các chuyên gia nhận định, nội dung 4 công điện bao hàm đầy đủ nội dung quan trọng nhất liên quan mục tiêu giải pháp phân công thực hiện cho các bộ ngành, địa phương và các tổ công tác.
Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường BĐS do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm Tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến TPDN do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng.

Rõ ràng, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải khẩn trương nắm bắt thực trạng và bắt tay giải quyết ngay những khó khăn phát sinh.

(Theo baochinhphu.vn)

Đăng ngày: 22/12/2022 , 10:19 GMT+7

Tin liên quan