Cần giải pháp gì gỡ khó cho doanh nghiệp thép sau tăng giá điện?

Đăng ngày: 14/11/2023 , 15:52 GMT+7

Vài năm gần đây cũng như 10 tháng năm 2023 các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thép gặp rất nhiều khó khăn. Song, việc giá điện tăng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành sản phẩm thép, khiến doanh nghiệp càng thêm khó.

Sản phẩm phôi của Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam

Khó khăn khéo dài chưa có lời giải

Có thể nói, sức tiêu thụ thép hay ngành vật liệu xây dựng nói chung tốt hay kém phần lớn phụ thuộc vào thị trường bất động sản. Nếu thị trường bất động sản tiêu thụ tốt kéo theo ngành thép sẽ tiêu thụ tốt hơn và đương nhiên doanh nghiệp hoạt động sẽ có hiệu quả.

 

Từ ngày 09/11/2023 giá điện tăng thêm khoảng 4,5% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành, như vậy sẽ tác động mạnh lên vai doanh nghiệp ngành thép mà chưa biết giải cách nào để giải thoát khó khăn. Bởi trên thực tế, đối với ngành thép, điện được xem là một trong những chỉ tiêu tiêu hao năng lượng chính trong quá trình sản xuất thép, đặc biệt ở công đoạn luyện thép bằng lò điện (chi phí điện chiếm 7-8% trong sản xuất thép). Vì vậy, mỗi khi giá điện tăng, Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSTEEL) và các doanh nghiệp trong ngành thép đều phải đối mặt với áp lực tăng chi phí sản xuất. Ngoài ra, khi giá điện tăng thường kéo theo các chi phí đầu vào khác tăng theo, điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA),sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam trong 9 tháng đầu 2023 đạt 7,7 triệu tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm bởi thị trường cả trong và ngoài nước suy giảm về nhu cầu, trong đó giá bán cũng biến động với xu hướng giảm chủ đạo nên các doanh nghiệp ngành thép đã và đang phải chịu rất nhiều áp lực về hiệu quả, thị phần cũng như quy mô sản xuất… Và dự tính, từ nay tới cuối năm 2023 cũng như sang 6 tháng đầu năm 2024 gần như chưa có tín hiệu tích cực.

Nắm bắt được thị trường chưa có khả quan, Lãnh đạo VNSTEEL đã chủ động tìm mọi biện pháp và đề nghị các doanh nghiệp thuộc VNSTEEL tiết kiệm tối đa chi phí, chủ động nắm bắt thị trường, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh nhưng thị trường “bí” đầu ra nên các doanh nghiệp vẫn gặp khó.

Khó khăn bủa vây đối với các doanh nghiệp sản xuất thép chưa có tín hiệu tốt, nay lại thêm giá điện tăng khiến cho VNSTEEL và các doanh nghiệp khác trong ngành thêm đau đầu, đúng là bài toán khó chưa có lời giải!

Cũng có ý kiến cho rằng, giá điện tăng đương nhiên giá thép cũng phải tăng, thuyền lên sóng lên. Tuy nhiên, điều này không dễ bởi giá thép tăng, giảm phụ thuộc nhiều vào giá thế giới.

Thép Miền Nam có mặt ở nhiều công trình lớn, là công ty làm ăn có hiệu quả nhưng nay cũng gặp nhiều khó khăn bởi tiêu thụ ì ạch

Cận hiện thực hóa giải pháp giảm khó cho ngành thép

Trước thực tế này, VNSTEEL chỉ đạo các doanh nghiệp trong hệ thống áp dụng các giải pháp như: Tiết giảm tối đa các chi phí đầu vào để giảm thiểu tác động của việc tăng giá điện; Áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện và sử dụng năng lượng hiệu quả, như: sản xuất trong giờ thấp điểm, tăng cường phun than và thổi oxy trong quá trình luyện thép để giảm tiêu hao năng lượng tổng thể, tận dụng nhiệt dư trong quá trình luyện thép để tái sử dụng và nhiều biện pháp khác… 

Để chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép giảm bớt khó khăn, về vĩ mô, đối với Chính phủ và các cơ quan quản lý, VNSTEEL đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm giảm chi phí như: hạ lãi suất, ổn định tỷ giá, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng nhu cầu tiêu thụ, tăng tốc độ giải ngân đầu tư công và tháo gỡ thị trường bất động sản. Trong dài hạn, cần tăng cường nguồn cung điện, hạ giá thành sản xuất điện, tiến tới phát triển sản xuất điện xanh để phù hợp với lộ trình chuyển đổi xanh đã đặt ra.

Đối với ngành thép, VNSTEEL mong muốn sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp, cùng nhau xây dựng các phương thức phát triển ngành thép hiệu quả, giảm thiểu các rào cản trong sản xuất và kinh doanh, tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu suất năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và tìm kiếm các nguồn cung ứng nguyên liệu và thị trường tiêu thụ mới.

Để cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp trước sự thay đổi về giá điện cần có sự kết hợp từ nhiều phía, trong đó bao gồm sự linh hoạt thích ứng của doanh nghiệp và sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ trong tìm kiếm các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Dưới góc độ là doanh nghiệp nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu ngành, VNSTEELmong muốn cần có những ưu tiên hơn nữa tạo điều kiện để ngành thép phục hồi, tăng trưởng trở lại, từ đó góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và ổn định an ninh năng lượng quốc gia nói riêng.

Kim Tuyến

 

Đăng ngày: 14/11/2023 , 15:52 GMT+7

Tin liên quan