Chỉ số PAPI 2021: Những tác động của COVID-19 đối với chất lượng quản trị và dịch vụ công

Đăng ngày: 11/05/2022 , 20:53 GMT+7

Ngày 10 tháng 5 năm 2022, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức công bố Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021. Kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy trong năm thứ hai của đại dịch COVID-19, người dân quan tâm nhất đến sức khỏe và kinh tế trong khi thách thức về quản trị công gia tăng.

Quang cảnh buổi công bố chỉ số PAPI 2021

PAPI - Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam là công cụ người dân tham gia giám sát hiệu quả của chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở. Sau khảo sát thí điểm vào năm 2009 và thực hiện trên quy mô lớn hơn vào năm 2010, khảo sát PAPI đã tiến hành trên phạm vi toàn quốc từ năm 2011. Năm 2021, 15.833 người dân và cũng là cử tri đã tham gia khảo sát PAPI.

PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Trung ương và địa phương (VFF-CRT), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.

Theo Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021, người dân cho biết cơ sở hạ tầng cơ bản được cải thiện với chất lượng đường xá, nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn. Người dân tham gia khảo sát cũng cho biết tình hình tội phạm an ninh, trật tự địa bàn khu dân cư cũng giảm, có thể là do tác động của giãn cách xã hội và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra những dư địa cần cải thiện trong công tác ứng phó với đại dịch, trong công tác quản trị và hành chính công vốn nhiều nhiều thách thức, trong xử lý tác động của COVID-19 đối với nhiều vấn đề Chỉ số PAPI đo lường, cũng thách thức trong việc tạo lại niềm tin của người dân vào điều kiện kinh tế hộ gia đình.

Theo kết quả khảo sát PAPI năm 2021, cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, cho thấy mối quan tâm về sức khỏe của người dân nổi lên, với tỉ lệ quan ngại về y tế và bảo hiểm y tế tăng mạnh từ 2% lên 23% chỉ trong hai năm. Y tế và bảo hiểm y tế trở thành mối quan ngại lớn nhất của người dân, bên cạnh quan ngại về tăng trưởng kinh tế của đất nước và việc làm. Trong khi đó, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường giảm nhẹ. Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỉ lệ hài lòng với điều kiện kinh tế hộ gia đình tiếp tục giảm 11% so với năm 2020 khi sự lạc quan của người dân với tình hình kinh tế hộ gia đình giảm xuống lần đầu tiên sau gần một thập niên tăng lên từng năm. Cùng với đó, tỉ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm và thu nhập tăng 10% vào năm 2021 so với năm 2020.

Bên cạnh đó, tỉ lệ người dân hài lòng với cách ứng phó với đại dịch COVID-19 của các cấp chính quyền đã giảm từ 89% năm 2020 xuống còn 84% năm 2021. Đặc biệt, với lĩnh vực y tế, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ của bệnh viện công tuyến huyện/quận/thành phố trực thuộc tỉnh giảm sút. Trong khi đó, tỉ lệ người dân cho biết họ hoặc người thân trong gia đình phải ‘chung chi’ để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện tăng nhẹ. Đáng chú ý, điểm chỉ số nội dung ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’ lần đầu tiên giảm sút kể từ năm 2016 khi chiến dịch chống tham nhũng quyết liệt bắt đầu.

Điểm chỉ số nội dung ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’ năm 2021 giảm mạnh so với năm 2019 và 2020. Sự sụt giảm này có thể là do chính quyền địa phương bị quá tải với số lượng lớn yêu cầu của người dân liên quan đến chính sách hỗ trợ và ứng phó với đại dịch COVID-19 trong năm 2021. Bên cạnh đó, việc thực hiện giãn cách xã hội yêu cầu nhiều hoạt động phải chuyển sang trực tuyến, nhưng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công điện tử qua các cổng dịch vụ công trực tuyến của các cấp chính quyền còn rất thấp, phản ánh phần nào những hạn chế trong hiệu quả quản trị điện tử năm 2021.

Về những mặt được cải thiện, người dân cho biết cơ sở hạ tầng căn bản như nước sạch và vệ sinh môi trường tốt hơn, và tỉ lệ người dân và hộ dân bị trộm cướp ở địa bàn dân cư thấp hơn. Đánh giá về chất lượng giáo dục tiểu học công lập tăng trở lại sau khi sụt giảm bất thường vào năm 2020 khi các trường có lẽ chưa kịp chuẩn bị để đối phó với những thách thức do COVID-19 gây ra. Trong năm thứ hai của đại dịch (2021),hơn 60% số người được hỏi trên toàn quốc cho biết trường học của con em họ được trang bị trang thiết bị công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học trực tuyến. Tuy nhiên, tỉ lệ này còn thấp ở các tỉnh miền núi hoặc các tỉnh nghèo.

Những phát hiện từ Báo cáo PAPI 2021 được công bố ngày hôm nay có ý nghĩa quan trọng giúp chúng ta hiểu được tác động của đại dịch COVID-19 tới hiệu quả quản trị công có sự tham gia của người dân. Điều này giúp chính quyền các cấp chuẩn bị các kịch bản ứng phó với những khủng hoảng kinh tế và sức khỏe tương tự có thể xảy ra trong tương lai,” bàCaitlin Wiesen, Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu. “Chúng tôi hy vọng rằng số liệu công bố hôm nay sẽ giúp cung cấp những dẫn cứ hữu ích cho những thảo luận sắp tới trong chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2022, đặc biệt là dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở và dự án Luật đất đai sửa đổi, cũng chính là những vấn đề nghiên cứu PAPI đo lường qua nhiều năm.”

Kể từ năm 2018, Bộ Ngoại giao và Thương mại (DFAT) Úc, Đại sứ quán Ireland và UNDP Việt Nam đồng tài trợ chương trình nghiên cứu PAPI

Cherie Russell, Tham tán phát triển, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam phát biểu: “Khảo sát PAPI đóng vai trò quan trọng tại Việt Nam, giúp chính quyền các cấp cải thiện việc ra quyết định, hoạch định chính sách và cung cấp dịch vụ công cho người dân dựa trên cơ sở dữ liệu tin cậy về trải nghiệm của người dân. Trong bối cảnh Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao và hướng tới mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao thì việc chính quyền các cấp hiểu được mong muốn của người dân, kịp thời chuyển đổi và cải thiện đường lối chính sách dựa trên các phản hồi của người dân là vô cùng quan trọng.”

Năm 2021, PAPI có số lượng phỏng vấn trực tiếp cao nhất từ trước tới nay, với 15.833 người trả lời từ khắp 63 tỉnh, thành phố. Dựa trên nghiên cứu thí điểm thành công năm 2020, PAPI tiếp tục mở rộng nghiên cứu khả năng tiếp cận của người di cư đối với quản trị tốt và các dịch vụ công chất lượng ở những tỉnh, thành phố họ chuyển tới tạm trú. Năm 2021, PAPI đã phỏng vấn 1.042 người tạm trú ở 12 tỉnh, thành phố có tỉ suất nhập cư nội địa ròng dương. Kết quả khảo sát cho thấy đại dịch COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức trong tiếp cận quản trị công hiệu quả đối với cả dân tạm trú và dân thường trú ở các tỉnh tiếp nhận nhiều dân di cư.

Bình đẳng đối với dân di cư là một vấn đề đáng quan tâm do hậu quả của đại dịch COVID-19 năm 2021 do có sự chênh lệch rõ ràng giữa người tạm trú và thường trú ở từng địa phương. Tuy nhiên, năm 2021 tỉ lệ người dân mong muốn di cư rất thấp, trong bối cảnh kinh tế suy giảm mạnh mẽ vào năm 2021 dẫn đến thiệt hại lớn về việc làm và thu nhập trên quy mô toàn quốc. Năm 2021, ba lý do chính khiến người dân chọn di cư là: để đoàn tụ gia đình (chuyển đến Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); để có công việc tốt hơn (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng); và để được sống trong môi trường tự nhiên tốt hơn (Đà Nẵng và Lâm Đồng).

Ông John McCullagh, Đại sứ Ai-len tại Việt Nam, cho biết: “Mối quan hệ đối tác giữa Ai-len và Việt Nam cũng như hoạt động phát triển toàn cầu của Ai-len được thực hiện trên nguyên tắc “ưu tiên những người đang bị bỏ lại phía sau” và sự cần thiết phải hỗ trợ các nhóm yếu thế. Chúng tôi hoan nghênh kết luận của Báo cáo PAPI 2021 là “có dấu hiệu tích cực” trong việc đảm bảo bình đẳng giới trong cuộc bầu cử đại diện các cơ quan dân cử năm 2021. Chúng tôi cũng đánh giá cao việc mở rộng nghiên cứu nhóm dân di cư trong khảo sát PAPI 2021. Trong năm 2022, Ai-len tài trợ thêm cho các sáng kiến hướng tới các nhóm mục tiêu hiện còn bị bỏ lại phía sau, bao gồm cộng đồng các dân tộc thiểu số, người khuyết tật và dân di cư thông qua chương trình nghiên cứu PAPI.”

Năm 2021, PAPI tiếp tục khảo sát về sự tham gia của người dân trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Kết quả khảo sát cho thấy, tỉ lệ đi bầu trực tiếp của cử tri, đặc biệt là phụ nữ, năm 2021 thấp hơn so với hai cuộc bầu cử trước vào năm 2011 và 2016. Đại dịch COVID-19 có thể là lý do khiến tỉ lệ cử tri trực tiếp đi bỏ phiếu thấp đi. Trong khi đó, một số thay đổi mang tính hệ thống đối với vị trí trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố rất có thể đã tác động tới mức độ cạnh tranh trong bầu cử vị trí này. Tỉ lệ người được hỏi cho biết có nhiều hơn một ứng cử viên để lựa chọn trong cuộc bầu cử trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố đạt mức thấp nhất kể từ năm 2011.

TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Phát biểu tại hội nghị công bố, TS. Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: “Chỉ số PAPI đã hỗ trợ thúc đẩy trách nhiệm giải trình với người dân của các cấp chính quyền, đóng góp vào quá trình đổi mới và sáng tạo trong khu vực công vì mục tiêu “dân hưởng lợi” ngoài những mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đây cũng là tinh thần của dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở sẽ được thảo luận tại Quốc hội năm nay.”

Tương tự như các năm trước, Báo cáo PAPI năm 2021 trình bày các kết quả chi tiết về hiệu quả hoạt động của các tỉnh theo 8 chỉ số nội dung (Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử),và điểm Chỉ số PAPI tổng hợp.

Các đại biểu tại phiên hỏi đáp

So với kết quả của năm 2020, 30 tỉnh, thành phố đã cải thiện hiệu quả hoạt động trong cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường, và quản trị điện tử. Tuy nhiên, 30 tỉnh, thành phố có ​​sự sụt giảm về điểm ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’, ‘Trách nhiệm giải trình với người dân’, và ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’. Nhiều tỉnh, thành phố trong nhóm dẫn đầu tập trung ở khu vực phía Bắc. Ngược lại, phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm trung bình thấp hoặc thấp nhất. Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, TP. HCM thuộc về nhóm đạt điểm thấp nhất. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của giãn cách xã hội toàn phần kéo dài do làn sóng COVID-19 lần thứ tư ở TP. Hồ Chí Minh./.

PV.

Đăng ngày: 11/05/2022 , 20:53 GMT+7

Tin liên quan