Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trong thời gian qua, Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đã xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ban hành ngày 17 tháng 11 năm 2010 và có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2011),đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời kỳ phát triển mới.
Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trình bày tóm tắt về quá trình xây dựng Dự án Luật, trong đó, nhấn mạnh về hoạt động xin ý kiến đối với các dự thảo văn bản đã được Bộ Công Thương tập trung thực hiện xuyên suốt, đa dạng theo nhiều hình thức trực tiếp và trực tuyến. Nhờ vậy, Bộ Công Thương đã có cơ hội được tiếp nhận nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, các Hội Bảo vệ người tiêu dùng… Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật, trình Chính phủ cho ý kiến thống nhất trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn, Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã rà soát, hoàn thiện, bổ sung nhiều nội dung quy định mới, trong đó, có một số nội dung nổi bật hiện đang thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều chủ thể, bao gồm: mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù; hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Phiên họp, các ý kiến trao đổi đều thống nhất với chủ trương sửa đổi Luật và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, bài bản của Bộ Công Thương trong việc hoàn thiện hồ sơ, tài liệu. Để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi báo cáo Quốc hội, một số vấn đề đã được các đại biểu lưu ý cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát và củng cố căn cứ, lập luận, bao gồm:
Xác định vị trí của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong tổng thể hệ thống các văn bản pháp luật: các ý kiến đều thống nhất Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan đến nhiều quy định tại nhiều văn bản khác nhau, vì vậy, cần xác định nguyên tắc, quan điểm xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để đảm bảo định vị rõ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mối quan hệ với các văn bản khác.
Xem xét sửa đổi tên gọi của Luật: có ý kiến đề nghị sửa tên Luật thành Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Để xem xét đề nghị này, cần tiếp tục đánh giá rõ nội dung điều chỉnh của Luật, đồng thời, tham khảo kinh nghiệm, xu hướng quốc tế để làm căn cứ đánh giá, xem xét vấn đề.
Xác định phạm vi, đối tượng điều chỉnh: cần nghiên cứu về cơ chế hợp tác quốc tế để xem xét việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở nước ngoài khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có liên quan của Việt Nam;
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương: cần nghiên cứu để làm rõ hơn các giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đồng thời, xem xét bổ sung nhóm người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương;
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù: cần tiếp tục làm rõ nội dung và giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong một số giao dịch đặc thù, trong đó, đặc biệt lưu ý đối với các giao dịch trên không gian mạng và hoạt động bán hàng đa cấp;
Nâng cao hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng với các tổ chức, cá nhân kinh doanh: một số ý kiến đề cập cần rà soát, bổ sung kết quả áp dụng các phương thức giải quyết trong thực tiễn giải đoạn 2011-2021 vừa qua, trong đó, đối với phương thức nào được sử dụng hiệu quả thì cần tạo điều kiện để tiếp tục mở rộng; phương thức nào có tồn tại, hạn chế thì cần xác định giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục và nhanh chóng đưa vào thực tiễn.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể là các Hội Bảo vệ người tiêu dùng hiện đã và đang có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hoạt động của các Hội hiện còn nhiều khó khăn, hạn chế. Do vậy, Dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các quy định để tạo điều kiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hội này;
Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: cần xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể của các bộ, ngành có liên quan.
Phát biểu trao đổi tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống văn bản pháp luật hiện hành để đảm bảo tính tương thích, đồng bộ giữa Dự thảo Luật và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, các quy định của Dự thảo Luật cần được đánh giá, cân nhắc kỹ để đảm bảo tính khả thi sau khi đưa Luật vào cuộc sống.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi của các đại biểu, Bộ Công Thương đã có báo cáo ngắn gọn về định hướng tiếp thu, đồng thời, sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các Ủy ban có liên quan của Quốc hội để hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10 năm 2022.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng