Quan điểm, định hướng của Đảng
Đảng ta luôn xác định báo chí, xuất bản có vai trò to lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Báo chí, xuất bản nước ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, vừa là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, vừa là diễn đàn của nhân dân; tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết đại hội XIII của Đảng cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản (ngày 14/7/2021)
Báo chí, xuất bản được Đảng ta xác định là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng với các nhiệm vụ trọng tâm: (1) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân; (2) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, xuất bản; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (3) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân; (4) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội; (5) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam; (6) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững; đấu tranh chống mọi tư tưởng và hành vi làm tổn hại lợi ích quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chức năng chính của báo chí là cung cấp thông tin, định hướng nhận thức, tác đồng tình cảm về các sự kiện, vấn đề mà xã hội quan tâm; là diễn đàn, là nơi là: dân thực hiện quyền làm chủ xã hội; là phương tiện giáo dục và giải trí bổ ích, thiết thực... Báo chí, xuất bản được Đảng ta xác định là bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Vận dụng đúng đắn và sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặt báo chí, xuất bản dưới sự lãnh đạo của Đảng và coi báo chí, xuất bản là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoạt động báo chí, xuất bản là một bộ phận của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Do vậy, báo chí phải hoạt động theo đường lối, quan điểm của Đảng, tham gia tích cực vào việc bảo vệ, phát triển nền tảng tư tưởng và mục tiêu phấn đấu của Đảng, của nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, giữa Việt Nam với cộng đồng quốc tế.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của báo chí, xuất bản ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận chỉ đạo công tác báo chí, xuất bản. Những văn kiện đó cần được nhận thức, quán triệt và thực hiện trong quá trình chỉ đạo, quản lý về báo chí, xuất bản cũng như hoạt động báo chí, xuất bản.
Là báo chí cách mạng, yêu cầu hàng đầu của báo chí nước ta là phải có lập trường chính trị vững chắc, có đường lối chính trị đúng đắn, có mục tiêu chính trị rõ ràng. Đường lối chính trị của báo chí chính là cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng. Nghị quyết Trung ương 5 khóa X (ngày 01/08/2007) về công tác tư tưởng lý luận và báo chí trước yêu cầu mới đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải giáp về báo chí.
Kết quả sau một năm thực hiện công tác quy hoạch
Thực hiện Quy hoạch báo chí toàn quốc đến năm 2025, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 Báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 Báo có hoạt động báo điện tử); 612 Tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 Tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 Cơ quan báo chí điện tử độc lập (09 Báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 02 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 01 Đài TH KTS VTC, 64 đài địa phương, 05 đơn vị hoạt động truyền hình Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình. Có 02 địa phương đã chuyển đổi sang mô hình tòa soạn hội tụ, đó là: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh và Đài phát thanh, truyền hình và Báo Bình Phước.
Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có trên 41.000 người, trong đó khối PTTH là 15.768 người. Phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí chủ yếu được đào tạo từ các trường đại học có chuyên ngành đào tạo báo chí như Học viện Báo chí - Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Huế, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh (khoa Quay phim) và các trường chuyên ngành khác.
Một số vấn đề đặt ra
Xu hướng phát triển
- Chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông sẽ diễn ra mạnh mẽ và rất nhanh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội; báo chí không chỉ đóng vai trò là nguồn thông tin phản ánh mọi lĩnh vực đời sống xã hội mà báo chí trong thời kỳ mới phải là “bộ lọc” thông tin, kiến giải những vấn đề mang tính bản chất từ hiện tượng xã hội để bảo đảm thực hiện tốt sứ mạng của nền báo chí cách mạng và phát triển theo hướng hiện đại.
- Sự dịch chuyển phương thức tiếp cận thông tin của người đọc, nghe, xem từ bị động sang chủ động và công nghệ định hướng, dẫn dắt (gợi ý) người dùng diễn ra nhanh chóng và là xu thế chủ đạo, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải có chiến lược tổ chức, vận hành và quản lý hoạt động theo mô hình mới (đa nền tảng, tăng tính tương tác...) để có thể đáp ứng nhu cầu của khán giả.
- Cạnh tranh thông tin giữa các loại hình truyền thông ngày càng cao; xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân, doanh nghiệp tự sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình (các audio, video) và cung cấp lên các hạ tầng truyền dẫn trên mạng internet qua các trang web, ứng dụng, mạng xã hội, hình thành xu thế “truyền thông đại chúng” với những thông tin đa chiều, khó định hướng.
- Có hiện tượng một bộ phận cán bộ, lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí thiếu tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, có biểu hiện tự mãn, trục lợi, thích thể hiện quyền lực truyền thông”; làm báo theo kiểu áp đặt, thiếu tính xây dựng, tính nhân văn.
- Nguồn thu quảng cáo tiếp tục dịch chuyển mạnh sang các nền tảng truyền thông mới.
Những thách thức phát sinh
- Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích người dùng diễn ra nhanh, đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải có khả năng nắm bắt nhanh và dự báo sớm được tác động của xu thế này trong việc định hướng báo chí và truyền thông trên mạng; các cơ quan báo chí cần nâng cao cảnh giác và thường xuyên chuyển đổi cách thức kiểm soát các thông tin, bình luận khi tham gia, cập nhật thông tin lên mạng xã hội.
- Áp lực về chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của các cơ quan báo chí sau khi thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan báo chí, nhất là vấn đề sắp xếp tổ chức bộ máy và kinh tế báo chí.
- Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và hoạt động của cơ quan báo chí nói riêng vẫn tiếp tục là nguy cơ lâu dài (làm sụt giảm nguồn thu quảng cáo và gia tăng chi phí hoạt động).
- Tốc độ phát triển kinh tế xã hội diễn ra nhanh, nhiều hành vi vi phạm pháp luật ngày càng tinh vi, phức tạp, nguy hiểm do đó đòi hỏi công tác bảo vệ nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp cần phải được coi trọng và tăng cường, nhất là đối với các phóng viên, nhà báo thực hiện mảng đề tài phóng sự điều tra; bên cạnh đó các phóng viên, nhà báo cũng cần phải thường xuyên học hỏi, nâng cao nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và đạo đức khi tác nghiệp.
Nhiệm vụ, giải pháp
Đối với cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí
- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kịp thời để xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
- Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí tiếp tục tuyên truyên Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thông tin đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, góp phần lan tỏa năng lượng tích cực trong xã hội, nhân rộng những gương người tốt, việc tốt, mô hình tốt, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đưa nền kinh tế hồi phục nhanh trong bối cảnh vừa phải phòng, chống đại dịch COVID-19.
- Đổi mới công tác chỉ đạo việc tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đảm bảo có sự tham gia và phối hợp tích cực, chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng và báo chí;
- Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, bất cập của quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2021.
- Chuyển mạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch sang giám sát, kiểm tra chuyên đề và tập trung giải quyết căn bản các vấn đề “nóng”, có tác động lớn trong xã hội, trong ngành, đặc biệt là đối với các hành vi thực hiện sai tôn chỉ, mục đích và thông tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ đo lường hiệu quả trong hoạt động chỉ đạo, quản lý báo chí; Có cơ chế, giải pháp thúc đẩy phát triển nhóm cơ quan báo chí chủ lực để thực hiện tốt công tác định hướng dư luận xã hội, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng...
- Thường xuyên tổ chức giao ban, hội thảo, hội nghị chuyên đề với các cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức quản lý báo chí, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của cơ quan báo chí.
Đối với cơ quan chủ quản báo chí
- Tuân thủ và thực hiện nghiêm Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; xây dựng lộ trình tự chủ của các cơ quan báo chí phù hợp với Quy hoạch; chú trọng đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí.
- Tăng cường công tác chỉ đạo định hướng về chính trị, tư tưởng, việc thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với cơ quan báo chí trực thuộc; có quy chế quy định cụ thể nhằm nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, đặc biệt là đối với sai phạm của cơ quan báo chí.
- Quan tâm, tạo cơ chế để cơ quan báo chí có điều kiện nâng cấp, kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền.
- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc việc thực hiện nhiệm vụ và chấp hành pháp luật của các cơ quan báo chí; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, Hội Nhà báo xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về thông tin, xa rời tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
- Chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và chính quyền địa phương trong việc rà soát, chấn chỉnh nghiệm hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của cơ quan báo chí bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, trên tinh thần chú trọng các chương trình, tin bài nhằm khích lệ các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, con người tại địa bàn.
- Chủ động phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc góp ý, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính, kinh tế báo chí, bản quyền, tổ chức bộ máy, nhân sự...; tập huấn nâng cao nhận thức chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức quản lý báo chí cho đội ngũ lãnh đạo cơ quan báo chí.
Đối với cơ quan báo chí
- Tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo,
- Tuân thủ, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về báo chí. Đề xuất, kiến nghị kịp thời các biện pháp giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện pháp luật về báo chí và pháp luật liên quan, nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, tránh hiệu ứng tiêu cực đối với đời sống báo chí.
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí về mọi hoạt động của cơ quan báo chí trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn, quản lý và sử dụng biên tập viên, phóng viên, có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với cộng tác viên.
- Tập trung tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phản ánh đậm nét những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước đặc biệt là các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới
- Ứng dụng công nghệ hiện đại, quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất và thường xuyên đổi mới, sáng tạo trong việc sản xuất, phát sóng các chương trình, tin, bài, làm cho nội dung thông tin trở nên hấp dẫn, sinh động, thiết thực, có chiều sâu, có thông điệp truyền tải rõ ràng và bám sát với thực tế....
- Tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức, rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy chế hoạt động của cơ quan để thực hiện tốt Quy hoạch quản lý và phát triển báo chí toàn quốc đến năm 2025, Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; Tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo; có giải pháp quản lý chặt chẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú và cộng tác viên hoạt động tốt, đúng tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí và quy định của Luật Báo chí.
- Các phóng viên, nhà báo cần tích cực tự đổi mới tư duy, hoàn thiện kỹ năng và tiếp cận các công nghệ, công cụ, thiết bị mới, giữ vững bản lĩnh chính trị, tuân thủ nghiêm quy trình tác nghiệp để sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có nội dung đặc sắc, nổi bật, cuốn hút, bắt kịp nhu cầu công chúng./.
PV.
Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại – Tháng 8/2021