Kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu tăng 29% (đạt gần 7,3 tỷ USD),nhập khẩu tăng 10,3% (đạt 419 triệu USD). Trong EU, hiện Hà Lan đã vượt Đức (kim ngạch thương mại hai chiều trong 7 tháng đạt gần 6,7 tỷ USD) trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng thủy sản và nông sản (rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, hạt tiêu) tăng trưởng mạnh ở mức gần 17% so với cùng kỳ năm 2023 với kim ngạch đạt 573 triệu USD. Trong đó, cà phê đạt mức tăng trưởng mạnh nhất (78%), kế đến là hạt tiêu (70%), hạt điều (12,7%). Hàng rau quả lại có sự sụt giảm gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, tất cả những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị, dệt may, túi xách, vali ô, dù, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ…. đều có tăng trưởng mạnh trở lại trong 7 tháng đầu năm 2024.
Nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan cũng ghi nhận tăng trưởng 10,3% trong 7 tháng đầu năm 2024. Nhóm mặt hàng nhập khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; Dược phẩm; Sản phẩm hóa chất; Linh kiện, phụ tùng ô tô; Chế phẩm thực phẩm; Thức ăn gia súc và nguyên liệu; Chất dẻo nguyên liệu; Sữa và sản phẩm sữa.
Cập nhật chính sách, quy định mới của Hà Lan
Theo Quy định thay đổi về thuế 2024 - Regulation on Tax changes 2024, từ ngày 1/1/2024, thuế suất đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước ngọt và nước ép trái cây, đã tăng lên. Cụ thể, thuế tiêu thụ đối với các loại đồ uống này được tăng lên mức €26,13 trên mỗi 100 lít. Tuy nhiên, nước khoáng và sữa không bị áp dụng mức thuế này. Quy định mới này có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong lĩnh vực đồ uống không cồn vào thị trường Hà Lan, vì chi phí sản phẩm sẽ tăng lên do thuế cao hơn. Do đó, giá thành cuối cùng của các sản phẩm này có thể tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường Hà Lan.
Theo Nghị định ‘Packaging Management Decree 2014’, điều chỉnh vào 1/1/2024, kể từ ngày 3/7/2024, tất cả các nắp chai và nắp đậy phải được gắn liền với chai hoặc bao bì nhựa dùng một lần. Quy định này nhằm mục đích tăng cường việc tái chế, vì khi các nắp chai được gắn liền với chai, chúng sẽ không bị thất lạc và có thể được thu hồi dễ dàng hơn trong quá trình tái chế. Quy định có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm đồ uống hoặc các sản phẩm khác sử dụng bao bì nhựa vào thị trường Hà Lan.
Quy định này không áp dụng cho: Chai và thùng đựng đồ uống dùng trong y tế; Chai và thùng đựng đồ uống có dung tích trên 3 lít.
PV.