Quang cảnh Hội thảo
Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Điều hành Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh.
Hội thảo nhận được sự tham gia trình bày tham luận, đóng góp ý kiến của TS. Nguyễn Quốc Thập, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, Nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội; PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thành viên Tổ tư vấn tài chính tiền tệ Quốc gia cùng nhiều các chuyên gia, đại diện các bộ ngành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ngoài ra Hội thảo có sự tham dự của hơn 200 khách mời là đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ/ngành bao gồm: Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Điện lực, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, các Hiệp hội, Ngân hàng, Doanh nghiệp năng lượng…
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Cần cải thiện hành lang pháp lý
Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (Chiến lược tăng trưởng xanh). Chiến lược tăng trưởng xanh tập trung vào khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Đồng thời Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 (PTR0) tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam. Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã tham gia Nhóm các đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP). Để cụ thể hoá các Chiến lược và cam kết nói trên, ngày 15/5/2023, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg, về Phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII). Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 -39,2% vào năm 2030, định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 - 71,5%.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết: “Năng lượng xanh không chỉ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường so với các nguồn năng lượng truyền thống như than và dầu mỏ, mà còn giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm rủi ro của biến động giá năng lượng. Không chỉ giúp đảm bảo nhu cầu năng lượng của mỗi quốc gia, năng lượng xanh còn là một giải pháp quan trọng nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Việc phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược mà Việt Nam không thể đứng ngoài, cũng là một cơ hội để phát triển, tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững”.
TS. Phạm Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không hề dễ dàng. Các hệ thống cung cấp năng lượng xanh đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng xanh vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.
Chia sẻ tại hội thảo, GS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: Thế mạnh của Việt Nam là điện sinh khối, nếu phát triển về trồng rừng, có nguồn năng lượng sinh học sẽ giúp giảm thiểu lượng cacbon ra môi trường. Các giải pháp kỹ thuật – công nghệ để giảm phát thải KNK được định hướng trong NDC 2022 từ nhu cầu sử dụng năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải, có sự chuyển biến của người dân: sử dụng năng lượng hiểu quả, chuyển đổi phương thức vận tải, chuyển đổi sang sử dụng điện hoặc năng lượng xanh khác… từ đó khuyến khích sử dụng xe điện.
GS.TS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách Khoa Hà Nội tham luận tại hội thảo
Nhận định về phát triển năng lượng, GS.TS. Lê Anh Tuấn nhận định chiến lược phát triển năng lượng Hydrogen của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam cần triển khai và ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất Hydrogen trong đó có việc triển khai công nghệ thu giữ và sử dụng các – bon tiên tiến; Thử nghiệm ứng dụng năng lượng Hydrogen trong một số lĩnh vực có thể tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, bao gồm giao thông vận tải… tiến tới năm 2030 sẽ sản xuất được khoảng 100-500 nghìn tấn Hydrogen, đến năm 2050 sẽ sản xuất được 10-50 triệu tấn hydrogen đáp ứng 10% tổng nhu cầu năng lượng tiêu thụ cuối cùng.
Theo TS. Nguyễn Quốc Thập - Nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ chuỗi dự án khí điện - LNG và điện gió, ngoài khơi theo quy hoạch năng lượng QG và quy hoạch điện VIII còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Thị trường tiêu thụ điện khí LNG tăng trưởng chậm so với mục tiêu trong QH VIII; Thiếu khung pháp lý để hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các thỏa thuận về Pháp lý – Kinh tế - Thương mại giữa các chủ thể trong chuỗi dự án đến khí LNG; Việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho nhập khẩu LNG hiện tại còn thiếu; Cơ chế, tiêu chí để lựa chọn nhà đầu tư trong XD cơ sở hạ tầng phục vụ NK LNG chưa có hướng dẫn cụ thể để các nhà đầu tư tham gia…
TS. Nguyễn Quốc Thập - Nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam chia sẻ về những khó khăn trong phát triển năng lượng xanh hiện nay
Nhấn mạnh về phát triển điện khí LNG, ông Nguyễn Quốc Thập quy mô đưa ra rất lớn, tới 22.400 MW và có 13 nhà máy điện để phát điện từ khí LNG, song đến thời điểm hiện nay mới có 2 dự án của PV Power đầu tư là nhà máy Nhơn Trạch 3 và 4 với công suất trên 1.600 MW, song bản thân dự án của PV Power hiện còn nhiều khó khăn, đầu ra của các nhà máy điện này vẫn chưa được thống nhất, do liên quan đến bao tiêu, bảo lãnh kể cả chuỗi đằng trước đó là nhập khí LNG.
“Nếu nhập khẩu ngắn hạn rất rủi ro, còn nhập dài hạn thì cần có các cam kết dài hạn, lúc đó giá mới được theo thông lệ thị trường của các nước đang thực hiện. Hơn nữa, khi có được các cam kết dài hạn thì Việt Nam mới có thể đi ký được các hợp đồng để đảm bảo cả chuỗi có thể hình dung ra được quy mô và hình dung ra rủi ro trong tương lai như thế nào,” TS. Nguyễn Quốc Thập chia sẻ.
Trong những năm gần đây, năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ và thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và nước ngoài, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển miền Trung và miền Nam, với tổng vốn đầu tư FDI đạt trên 5,1 tỷ USD trong năm 2020, cao hơn 4 lần so với năm 2019. Tính đến hết năm 2020, tổng công suất lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam ước đạt khoảng 38,4 GW, phần lớn đến từ thủy điện và điện Mặt trời.
Viện dẫn số liệu tính toán của Tổ chức BCG, Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, đến năm 2050, nhu cầu nội địa cho khí hydro sạch đạt khoảng 25-40 triệu tấn. Trong bối cảnh nội địa hóa hoàn toàn, hệ sinh thái hydro sạch có tiềm năng tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội đáng kể, đóng góp thêm 40-45 tỷ USD vào GDP và tạo ra khoảng 40.000-50.000 việc làm từ sản xuất, vận chuyển và phân phối hydro sạch.
“Để khai thác triệt để những lợi ích của hydro sạch, Việt Nam phải áp dụng một cách tiếp cận toàn diện dài hạn nhằm phát triển toàn bộ chuỗi giá trị hydro, từ sản xuất đến bước sử dụng cuối cùng,” Tiến sĩ Hà Huy Ngọc khuyến nghị.
Tiềm năng phát triển ngành kinh tế xanh tại Việt Nam
TS. Hà Huy Ngọc - Viện kinh tế Việt Nam cho rằng: Việt Nam có nhiều lợi thế về mặt thiên nhiên lẫn yếu tố về xã hội và con người, đem lại tiềm năng vô cùng to lớn cho tăng trưởng xanh. Nguồn dự trữ các-bon dồi dào đến từ tài nguyên rừng tự nhiên, chiếm tới hơn 40% tổng diện tích trên cạn của quốc gia. Thêm vào đó là thời tiết nóng và ẩm tại vùng cận xích đạo, dễ dàng phát triển rừng nhiệt đới với trữ lượng các-bon lớn.
Tiến sĩ Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam với tham luận về Xu hướng, triển vọng phát triển các ngành kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam.
Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ nhờ vị trí địa lý đắc địa trong khu vực cận xích đạo nhiều nắng cùng với bờ biển dài nhiều gió. Theo ước tính, tổng tiềm năng kỹ thuật cho sản xuất năng lượng mặt trời khoảng 840 GW (gấp ~50 lần công suất năm 2020) và cho sản xuất gió khoảng 350 GW (gấp ~700 lần công suất năm 2020).
Dân số lớn với nhận thức ngày càng cao với 99 triệu người vào năm 2022, đứng thứ 15 thế giới. Người tiêu dùng ngày càng nhận thức rõ rệt về các yếu tố môi trường và sức khỏe, với hơn 80% sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh. Tốc độ phát triển nhanh nhất về nền kinh tế số trong khu vực, với quy mô thị trường kinh tế số khoảng 23 tỷ USD năm 2022 và dự kiến có thể đạt đến 50 tỷ USD năm 2025.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. Trong đó, đã giảm dần nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, năng lượng truyền thống, ưu tiên phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, năng lượng xanh và sạch.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế và công nghiệp đang phát triển tại Việt Nam còn gặp nhiều thách thức về nhu cầu tiêu thụ năng lượng, với tốc độ tăng trưởng khoảng 10 - 12% hàng năm. Do vậy, để tránh tình trạng thiếu điện cục bộ và tăng cường an ninh năng lượng, Việt Nam cần làm rõ thực trạng tiến trình phát triển, đánh giá các cơ hội, thách thức cần đối mặt. Thông qua đó, đưa ra các đề xuất nhằm đẩy mạnh hơn phát triển năng lượng xanh, sạch và hướng tới phát triển bền vững.
Các chuyên gia, nhà khoa học sôi nổi phát biểu tại phiên thảo luận
Ban Tổ chức đã nhận được các bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, lãnh đạo Hiệp hội, tập trung vào các vấn đề mang tính trọng tâm như sau: (i) Xu hướng thế giới và Việt Nam về phát triển một số ngành nghề/lĩnh vực xanh then chốt gắn với quá trình chuyển đổi năng lượng; (ii) Đánh giá sự sẵn sàng tham gia thị trường tín chỉ các-bon của các doanh nghiệp dầu khíViệt Nam nhìn từ kinh nghiệm của các Tập đoàn dầu khí trên thế giới; (iii) Chính sách và công nghệ năng cho quá trình chuyển dịch năng lượng xanh ở Việt Nam; (iv) Quá trình thực hiện chuỗi Dự án Điện khí LNG và Điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch năng lượng quốc gia và Quy hoạch Điện VIII của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; (v) Phát hiện các rào cản, điểm nghẽn trong quá trình thực hiện chuyển dịch năng lượng xanh (Quy hoạch điện VIII) hiện nay.
Các chuyên gia, nhà khoa học sôi nổi phát biểu tại phiên thảo luận
Tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu có mặtđã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, chỉ ra những vấn đề cần quan tâm, nghiên cứu sâu hơn nữa góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng xanh ở Việt Nam hiện nay. Các chuyên gia, các lãnh đạo, các nhà khoa học đã lĩnh hội ý kiến, kiến nghị và mong rằng những gợi mở, đề xuất tại Hội thảo sẽ sớm được đưa vào áp dụng và thực thi một cách hiệu quả. Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc các ý kiến đóng góp tại Diễn đàn để có báo cáo kiến nghị chính sách gửi các Bộ/ngành, cơ quan liên quan.
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp. Ban tổ chức xin trân trọng cảm ơn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã chia sẻ thông tin, đồng hành cùng Hội thảo./.
Nhóm PV.