Quản lý, đầu tư phát triển các cụm công nghiệp: Thực trạng và giải pháp

Đăng ngày: 31/07/2021 , 11:11 GMT+7

Phát triển cụm công nghiệp (CCN) có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại nhiều địa phương.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tình hình quy hoạch, đầu tư xây dựng, hoạt động của các CCN cả nước đến năm 2020

Tổng hợp số liệu từ Sở Công Thương các tỉnh/thành phố cho thấy, theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cả nước có 1.704 CCN với tổng diện tích 58.123 ha. Phân bố CCN ở các vùng như sau: Trung du miền núi Bắc Bộ (250 cụm, 8.274,6 ha), Đồng bằng sông Hồng (515 cụm, 16.120,6 ha), Duyên hải miền Trung (457 cụm, 12.663,8 ha), Tây Nguyên (77 cụm, 3.200,3 ha),Đông Nam Bộ (146 cụm, 6.478 ha), Tây Nam Bộ (259 cụm, 11.385,7 ha).

Đến hết năm 2020, cả nước có 968 CCN với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập, trong đó có 450 CCN do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng (chiếm 46,5%),các CCN còn lại do Trung tâm phát triển CCN, Ban Quản lý CCN cấp huyện, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương và các đơn vị khác làm chủ đầu tư. Các CCN do DN làm chủ đầu tư nhiều ở các vùng Đông Nam Bộ (chiếm 78,5% so với các CCN đã thành lập trong Vùng), Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm 71,7%), Đồng bằng sông Hồng (chiếm 49,5%), Trung du miền núi Bắc Bộ (48,5%) và thấp ở vùng Duyên hải miền Trung (chiếm 25,8%),Tây Nguyên (17,1%).

Về đầu tư xây dựng hạ tầng, đến nay, cả nước có 955 CCN với tổng diện tích 29.782 ha đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết (QHCT); 644 CCN với tổng diện tích 20.222 ha đã được phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật với tổng mức vốn đầu tư trên 115.200 tỷ đồng. Sau khi được phê duyệt dự án đầu tư, các CCN này đã, đang được tiến hành đầu tư hạ tầng; đến nay tổng vốn đã đầu tư hạ tầng khoảng 35.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 30% so với tổng mức đầu tư theo kế hoạch).

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, cả nước có 730 CCN với tổng diện tích 22.336 ha hoạt động (có dự án thứ cấp đầu tư trong CCN), chiếm 74,5% so với các CCN đã thành lập; thu hút 13.468 dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, tổng vốn đăng ký 316.428 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy bình quân 63% (tính trên các CCN đã hoạt động); tạo việc làm cho trên 580.500 lao động; 141 CCN có công trình xử lý nước thải đi vào hoạt động (chiếm 19,3% số cụm hoạt động); các CCN còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung vận hành.

Trong số 730 CCN hoạt động nêu trên, có khoảng 450 CCN với tổng diện tích trên 18.000 ha (chiếm 62% các CCN đang hoạt động) được hình thành tự phát trước Quyết định 105/2009/QĐ-TTG ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, do địa phương thành lập, quản lý theo chính sách, quy định riêng của từng địa phương, đa số không thu hút được doanh nghiệp làm chủ đầu tư, được UBND cấp tỉnh giao cho UBND cấp huyện, xã quản lý, được đầu tư nhỏ giọt từ ngân sách địa phương hạn hẹp nên tiến độ đầu tư hạ tầng rất chậm, phần lớn không có hệ thống xử lý nước thải chung đi vào hoạt động (chỉ có 32 CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoạt động). Vì vậy, việc hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư và quản lý đối với các CCN này gặp nhiều khó khăn.

Về công tác quản lý, trong thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành chức năng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm khuyến khích đầu tư phát triển CCN theo hướng bền vững. Bộ Công Thương đã chủ động tham mưu Chính phủ quản lý CCN trên phạm vi cả nước. Đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý CCN hiện hành, bao gồm Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, Nghị định 66/2020/NĐ-CP, Thông tư 28/2020/TT-BCT về cơ bản đã tạo hành lang pháp lý quản lý, phát triển CCN thống nhất từ quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đến đầu tư xây dựng hạ tầng, sản xuất trong CCN.

Các địa phương thực hiện nghiêm công tác quản lý, đầu tư phát triển CCN theo trình tự, quy định của pháp luật. Trong đó, nhiều địa phương đã rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn; chất lượng công tác bổ sung, thành lập mới các CCN đã được nâng lên rõ rệt. Theo đó, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong CCN đã thúc đẩy nhanh chóng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận lao động trên địa bàn. Các CCN làng nghề đã góp phần tích cực di dời các doanh nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.

Một số tồn tại trong quản lý, đầu tư phát triển CCN

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, phát triển các CCN tại các địa phương thời gian qua vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc. Cơ chế chính sách cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu quản lý nhưng chưa thật đồng bộ, phát triển các CCN chưa thực sự đều, hiệu quả hoạt động của các CCN cũng chưa cao. Một số địa phương chưa lập quy hoạch phát triển nên gặp khó khăn trong đầu tư phát triển CCN, hoặc một số địa phương khác chậm điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển CCN trên địa bàn giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa bám sát nhu cầu phát triển công nghiệp cũng như điều kiện thuận lợi về hạ tầng giao thông trên địa bàn nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Việc lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 (trong đó có Phương án phát triển CCN) tại nhiều địa phương còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu.

Về đầu tư hạ tầng và thu hút đầu tư, cả nước hiện có 450/968 CCN (chiếm 46,5% CCN được thành lập) thu hút được DN làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, cơ bản tiến độ đầu tư các CCN này đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư. Tuy nhiên còn nhiều CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt là hạ tầng xử lý môi trường, khó thu hút DN làm chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao.

Về vấn đề xử lý môi trường CCN, hiện nay có 141/730 CCN (khoảng 20%) đi vào hoạt động, đã hoàn thiện công trình xử lý môi trường chung, đa phần là các CCN thành lập sau khi Quyết định 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực. Các CCN còn lại, chủ yếu hình thành trước khi Quyết định 105/2009/QĐ-TTg có hiệu lực, chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, hiện đang cần có chỉ đạo, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Việc chấp hành một số nội dung, quy định của Nghị định 68/2017/NĐ-CP và của pháp luật ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc, đầy đủ. Các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng các CCN, thu hút các DN đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các DN thứ cấp vào CCN. Nhiều địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc chuyển đổi mô hình CCN do nhà nước làm chủ đầu tư sang DN làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng để xử lý những tồn tại trước đây.

Mặt khác, để triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sản xuất kinh doanh trong CCN, các DN phải liên hệ, thực hiện các thủ tục tại nhiều cơ quan Nhà nước khác nhau, tình trạng này chưa tạo điều kiện thuận lợi, gây tốn kém thời gian, kinh phí cho DN.

Đẩy mạnh quản lý, phát triển CCN thời gian tới

Tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Công Thương với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác quản lý, phát triển CCN diễn ra mới đây, Lãnh đạo Bộ Công Thương và các địa phương đã tập trung đánh giá chính sách quản lý và phát triển đối với các CCN hiện nay, từ đó đề xuất, thống nhất các giải pháp để tiếp tục quản lý chặt chẽ, phát huy hiệu quả các CCN trong thời gian tới.

 Hội nghị trực tuyến về quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Đại diện lãnh đạo các địa phương chia sẻ, trong quá trình hoạt động, các CCN còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là vấn đề quy hoạch, giải phóng mặt bằng, quản lý và đầu tư, bảo vệ môi trường…

Đơn cử, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ, thời gian qua, việc quản lý CCN đã được quy định thống nhất, từ công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động. Mặc dù ngân sách nhà nước cho các CCN chưa nhiều, nhưng bước đầu đã góp phần tích cực hỗ trợ các chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn để đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cũng như phát triển sản xuất kinh doanh; góp phần thu hút đầu tư, tăng tỷ lệ lấp đầy, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên các CCN trên địa bàn Hà Nội chủ yếu mang đặc thù CCN làng nghề, xen lẫn với khu dân cư, có diện tích nhỏ, khó đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ như loại hình CCN tập trung. Ngoài ra, phát triển CCN trên địa bàn thành phố còn không được trang bị hệ thống, thiết bị, phương tiện chữa cháy; việc quy hoạch phát triển CCN còn gặp nhiều khó khăn…

Tương tự, theo Lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã quy hoạch phát triển 53 CCN với tổng diện tích 1.273,06 ha, trong đó có 24 CCN đã thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh; 16 CCN đã phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng hoặc phê duyệt quy hoạch chi tiết. Các CCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 253 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vào thuê đất, tạo việc làm cho 22.360 lao động, giá trị sản xuất các doanh nghiệp trong CCN đạt xấp xỉ 3.655 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách hàng năm khoảng 450 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của các CCN trên địa bàn Nghệ An còn thiếu đồng bộ, chắp vá, chưa tạo được CCN có hạ tầng kiểu mẫu chưa đáp ứng được nhu cầu thu hút đầu tư, nhất là hạng mục xử lý nước thải, tiềm tàng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Theo đó, đại diện tỉnh Nghệ An đề xuất, Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan quan tâm, tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và kêu gọi đầu tư vào các CCN, CCN làng nghề. Tiếp tục cân đối các nguồn vốn, ưu tiên bố trí vốn hàng năm để cùng với nguồn vốn đối ứng của UBND cấp huyện, vốn xã hội hóa,… đầu tư các hạng mục thiết yếu nhằm tạo môi trường thu hút đầu tư thuận lợi.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, thời gian qua, quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng, quy định của Nhà nước, các địa phương đã triển khai thực hiện khá nghiêm chỉnh và đạt được một số kết quả nổi bật trong công tác phát triển và quản lý CCN. Nhận thức về sứ mệnh, vai trò của các CCN tại các địa phương được nâng lên rõ nét. Chính phủ, Bộ Công Thương cũng như các Bộ, ngành chức năng đã kịp thời thể chế hóa quan điểm của Đảng bằng những quy định rất cụ thể như Quyết định 105 (năm 2009) Nghị định 68 năm 2017, Nghị định 66 năm 2020 và Thông tư 20 của Bộ Công Thương năm 2020. Điều này đã tạo được hành lang pháp lý thống nhất, ban hành các cơ chế ưu đãi trong đầu tư phát triển CCN, bước đầu đã thu hút được các nhà đầu tư hạ tầng cũng như đầu tư thứ cấp vào các CCN, giải quyết được vấn đề bức thiết, bức xúc đó là môi trường.

Sau khi phân tích nguyên nhân của những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, phát triển CCN, trên cơ sở tổng hợp những kiến nghị của các Đại biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trong thời gian tới.

Một là, các tỉnh, thành phố cần phải tiếp tục nghiên cứu và quán triệt sâu sắc hơn quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới, quán triệt và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách của Nhà nước, nhất là những cơ chế hiện hành. Đồng thời, chấn chỉnh quản lý theo hướng rõ chủ thể, rõ trách nhiệm đối với các CCN. Thống nhất việc chấm dứt thu hút đầu tư ngoài khu công nghiệp, CCN. Khi thành lập mới các CCN phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, nguồn vốn, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút lấp đầy CCN...

Hai là, khẩn trương xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển công nghiệp, thương mại trên cơ sở chiến lược quốc gia và chiến lược phát triển ngành, phát huy lợi thế của địa phương; Phải tạo ra các ngành công nghiệp nền tảng để từng bước tham gia chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hóa chất, công nghiệp vật liệu, chế biến chế tạo; Đề xuất tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền có ý kiến, thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Ba là, cần tập trung xây dựng và ban hành hệ thống các cơ chế, chính sách đủ mạnh và đồng bộ, bảo đảm ổn định để có thể thu hút các nhà đầu tư và kinh doanh hạ tầng CCN.

Bốn là, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo sự thông thoáng, hiệu quả hơn trong thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp đầu tư thứ cấp. Bộ Công Thương sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền và tăng hậu kiểm.

Năm là, tăng cường kiểm tra giám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp trong các CCN, trước hết thông qua Sở Công Thương địa phương và sở ngành, chức năng. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa quản lý nhà nước về ngành với quản lý của chính quyền địa phương.

PV.

Tạp chí Doanh nghiệp và thương mại - Số 7/2021

Đăng ngày: 31/07/2021 , 11:11 GMT+7

Tin liên quan