Khái quát về ngành CNHT
Nghị quyết 115/NQ-CP đã đề ra phát triển CNHT là một trong những giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam cải tiến chất lượng nền kinh tế, phát triển bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình. Việc phát triển CNHT sẽ tạo đà để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Trong đó, quan trọng nhất là các doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu vào cuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.
Theo số liệu thống kê, cả nước ta có khoảng 20.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT chiếm khoảng 19% trong tổng số các doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo. Sự kỳ vọng đối với ngành CNHT là rất lớn nhưng đến nay, ngành CNHT mới tập trung chủ yếu trong lĩnh vực cơ khí, phụ tùng, linh kiện, nhựa, cao su đáp ứng cơ bản cho sản xuất, lắp ráp ô tô, máy móc thiết bị và các sản phẩm điện tử khác. Tỷ lệ nội địa hoá cũng như số lượng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng còn thấp. Chủ yếu là các phụ tùng linh kiện cồng kềnh, công nghệ sản xuất đơn giản, thâm dụng lao động và mỗi năm vẫn phải nhập khẩu trên 50 tỷ USD phụ tùng linh kiện điện tử, gần 10 tỷ USD sắt thép các loại và khoảng 6 tỷ USD phụ tùng, linh kiện ô tô.
Về khái niệm hỗ trợ và ngành CNHT, theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khái niệm công nghiệp hỗ trợ được bắt nguồn từ đất nước Nhật Bản, người Nhật ý thức được rằng toàn bộ quy trình sản xuất sản phẩm như một quả núi thì các ngành CNHT là ngành sản xuất ra các nguyên vật liệu, các linh kiện, phụ tùng giúp tạo ra sản phẩm với vai trò là chân núi. Công nghiệp lắp ráp để sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng thì đóng vai trò đỉnh núi. Như vậy, nền công nghiệp mà được quy về một ngành gồm 2 thành tố: phân khúc thứ nhất là toàn bộ cấu trúc CNHT với nhiều hoạt động, nhiều phân khúc, chi tiết và tham gia được rất nhiều doanh nghiệp. Phân khúc thứ hai là lắp ráp để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Như vậy có từ hình tượng quả núi cho thấy cấu trúc của CNHT có nền tảng rất rộng lớn và công nghiệp lắp ráp đóng vai trò hoàn thiện sản phẩm cuối cùng. Hai phân khúc này có mối tương quan qua lại, nền tảng CNHT càng phát triển rộng lớn thì nền công nghiệp càng vững mạnh. Đến nay ngành CNHT được phát triển trên khắp thế giới, tuy nhiên mỗi nước thì có một cách khác nhau, với Việt Nam cũng có cách tiếp cận và nhình nhận quy trình sản xuất sản phẩm như vậy.
Về điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp tham gia vào ngành CNHT hiện nay, theo TS Trương Thị Chí Bình, Tổng thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam: khái niệm CNHT ở mỗi nước có cách tiếp cận riêng và có những chính sách phát triển khác nhau. Ngành CNHT Việt Nam được nhìn nhận giống như Nhật Bản, trong chính sách hiện nay vẫn còn có những bất cập. Ở các nước phương Tây, khái niệm của ngành CNHT được dùng luôn là công nghiệp linh kiện, phụ tùng, hoặc là công nghiệp vật liệu, linh kiện phụ tùng. Với việc đặt tên là CNHT, ở Việt Nam, khái niệm CNHT vẫn chưa được hiểu cụ thể, rõ ràng.
Hiện nay, các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam chủ yếu là hoạt động tự phát, nghĩa là doanh nghiệp thấy khu vực thị trường nào hấp dẫn, có thể phát triển được thì tham gia sản xuất. Điều này cũng lý giải tại sao hầu hết các doanh nghiệp CNHT của Việt Nam trong mấy chục năm qua chủ yếu tập trung cho ngành sản xuất xe máy, bởi vì đây là thị trường có dung lượng đủ để các doanh nghiệp đầu tư phát triển vì sản suất CNHT phải là sản xuất hàng loạt mới có hiệu quả.
Để phát triển CNHT, trước tiên phải hiểu biết về ngành này. Thứ nhất, đây là ngành cần đầu tư rất nhiều về vốn và công nghệ kỹ thuật. Trên thực tế cho thấy, một người mới tốt nghiệp kỹ sư cơ khí ra trường thì rất khó để khởi nghiệp trong lĩnh vực này. Nó khác với các lĩnh vực dịch vụ hay công nghệ thông tin. Tại Nhật, Hàn Quốc hay một số nước trong khu vực ASEAN, để phát triển công nghiệp chế tạo, CNHT thì quốc gia đó đều phải hỗ trợ cho doanh nghiệp trong những năm đầu tiên thực hiện sản xuất.
Hiện nay, CNHT có sự bao trùm với nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất trong xã hội, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là các nguồn lực. Nghị định 111/NĐ-CP nêu rõ 6 ngành công nghiệp được hỗ trợ ưu tiên là dệt may, da giầy, cơ khí, điện tử, ô tô và cơ khí chế tạo. Tuy nhiên các chính sách cho các ngành ưu tiên này thì chưa rõ ràng, cụ thể và lĩnh vực được chọn cũng khá rộng vì thế các ngành được ưu tiên cũng chưa được hưởng các chính sách ưu tiên nào cả.
Như vậy trên thực tế, mặc dù được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp nhưng với khoảng 90% số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, ngành công nghiệp chế biến chế tạo và CNHT lại đang rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp tại các quốc gia khác. Theo các chuyên gia kinh tế, việc các chính sách hỗ trợ chưa đủ liều lượng thì doanh nghiệp ngày nay khó có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới.
Bất cập trong chính sách phát triển
Hiện nay nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo, CNHT nhưng không được hưởng các chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước. Có thể kể đến như Công ty CP cơ điện TOMECO là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí phụ trợ để xuất khẩu. Từ năm 2011, công ty đã làm sản phẩm phụ trợ và đến nay Công ty đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của Mỹ và Anh. Hơn 10 năm hoạt động sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ nhưng Công ty chưa được thụ hưởng các chính sách ưu đãi phát triển CNHT của Nhà nước. Những sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp này không nằm trong danh mục các sản phẩm CNHT được ưu tiên được quy định từ năm 2015. Cụ thể, sản phẩm của Công ty hiện đang xuất khẩu là các phụ tùng, linh kiện cho vòi đốt dầu trong hoạt động của ngành công nghiệp dầu khí, được xuất khẩu đi Anh, Mỹ và nhiều nước khác. Đây chỉ là một trong rất nhiều doanh nghiệp có cùng hoàn cảnh là hoạt động sản xuất các sản phẩm của ngành CNHT nhưng chưa nhận được những chính sách ưu đãi.
Về những khó khăn trong tiếp cận những chính sách ưu đãi của Chính phủ cho CNHT, có thể thấy rằng các chính sách chưa theo kịp các hoạt động thực tiễn, chưa sát với các đối tượng thụ hưởng. Việc triển khai các chính sách trên thực tế vẫn còn nhiều bất cập. Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chính phủ đã có một hệ thống những chính sách về phát triển CNHT khá tích cực, đã được ban hành trong những năm qua. Tuy nhiên, tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT có thể tiếp cận được các chính sách ưu đãi còn ít và quá trình đó còn nhiều trở ngại. Nguyên nhân có thể do thông tin tuyên truyền, thủ tục hành chính phiền hà, đặc biệt là trong việc tiếp cận đất đai cho phát triển CNHT.
Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, phân công lao động ngày càng sâu sắc, các chuỗi cung ứng và các ngành CNHT được cho là chiếm tới 85 – 90% sản lượng công nghiệp. Chính sách phát triển CNHT gần như bao trọn phần lớn nền công nghiệp của mỗi quốc gia. Phát triển CNHT vì thế khó có thể phát triển đại trà trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như Việt Nam.
Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên
Từ thực tế, nguồn lực của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế vì thế không thể có sự đầu tư thoả đáng. Sự phát triển quá nhiều, dàn trải trên nhiều nhóm sản phẩm, lĩnh vực trong ngành CNHT nên sự ưu tiên, lựa chọn trong chính sách hỗ trợ của của Nhà nước không rõ ràng. Theo TS Nguyễn Đình Thiên, việc lựa chọn ưu tiên hỗ trợ phải được dựa trên nguyên tắc thị trường với các tiêu chí để xét, lựa chọn: Một là, lĩnh vực hoạt động tiềm năng, có những lợi thế nhất định của Việt Nam để tạo ra lợi thế cạnh tranh; Hai là, hướng của sản phẩm được lựa chọn có triển vọng thị trường; Ba là, sản phẩm phải phù hợp với xu hướng dịch chuyển của công nghệ, hiện đại. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam, theo hướng ưu tiên, hệ thống khuyến khích sản xuất không được tốt trong khi các khuyến khích mang tính đầu cơ thì rất mạnh vì thế hoạt động sản xuất công nghiệp rất vất vả, khó cạnh tranh. Để công nghiệp phát triển thì hệ thống khuyến khích phải đảm bảo chuyển từ xu hướng đầu cơ, buôn bán ngắn hạn, sang khuyến khích sản xuất từ đó tạo nền tảng phát triển sản xuất công nghiệp vững mạnh.
Thời gian qua, sự có mặt của các tập đoàn điện tử lớn đầu tư tại Việt Nam và kỳ vọng các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của họ nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa thực sự đạt được kết quả. Một thực tế đặt ra là các doanh nghiệp CNHT cần sự đầu tư rất lớn và cần được hỗ trợ. Nếu không có sự hỗ trợ, doanh nghiệp tự mình hoạt động thì với biên lợi không nhuận cao, doanh nghiệp hoàn toàn chỉ vì lợi nhuận, vì thị trường thì họ sẽ không thể đầu tư vào CNHT được.
Đối với công nghiệp điện tử là nhóm công nghiệp công nghệ cao. Công nghiệp điện tử có rất nhiều linh kiện, trong đó những linh kiện cồng kềnh trong công nghiệp điện tử gia dụng hầu hết được các nhà sản xuất buộc phải nội địa hoá tại các nước sở tại và Việt Nam cũng đã làm được. Có thể kể đến như sản phẩm tủ lạnh, Việt Nam đã sản xuất được vỏ tủ lạnh, linh kiện nhựa to trong tủ lạnh, tấm kim loại to sau tủ lạnh hoặc với sản phẩm tivi, những bảng mạch trong tivi Việt Nam cũng đã sản xuất được.
Đối với các sản phẩm điện tử nhỏ hơn như điện thoại thông minh thì các linh kiện đều nhập khẩu kể cả vỏ điện thoại. Các sản phẩm loại này, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm điện thoại di động xuất khẩu đi khắp toàn cầu, yêu cầu của các nhà sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu toàn cầu cao hơn rất nhiều so với thị trường trong nước. Các doanh nghiệp thời gian qua đã phải tự chật vật xoay xở rất nhiều mặc dù những công ty lớn như Samsung, Panasonic, Canon Việt Nam, LG Việt Nam… đã hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể trở thành nhà cung cấp cho họ nhưng số lượng và năng lực của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được hết các yêu cầu.
Chính sách hỗ trợ CNHT từ Nhà nước
Nghị định 57/2021/NĐ-CP (Nghị định 57) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT là lần bổ sung thứ 3 về hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp. Những quy định mới này quy định về những ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với thời gian thực hiện đối với các dự án sản xuất trong vòng 15 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất và chính sách này dường như chỉ đến được với các doanh nghiệp có doanh thu tốt. Các doanh nghiệp mới khởi sự thì những ưu đãi này không thực sự hấp dẫn đối với họ.
Nghị định 57 là những quy định điều chỉnh luật thuế 71 trước đây khi CNHT được bổ sung vào chính sách ưu đãi từ năm 2015. Theo đó, các doanh nghiệp thực hiện đầu tư sản xuất trước 2015 thì không được hưởng các chính sách ưu đãi. Nghị định 57 sửa đổi một số quy định cho doanh nghiệp sản xuất trước 2015 được hưởng một số ưu đãi này. Tuy nhiên nếu tính thời gian 15 năm thì hiện nay các doanh nghiệp còn thời gian đủ nhiều (từ 4-5 năm) để hưởng các chính sách ưu đãi là những doanh nghiệp sản xuất từ năm 2010 đến nay. Những doanh nghiệp đủ điều kiện này theo Nghị định 57 thì mới mặn mà tham gia và số lượng không nhiều do hầu hết các doanh nghiệp tham gia ở lĩnh vực sản xuất xe máy đã hoạt động từ rất lâu rồi và số lượng doanh nghiệp sản xuất từ năm 2010 thì không nhiều. Bên cạnh đó, những mong muốn của các doanh nghiệp thì không phải là những quy định từ Nghị định này.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương đã vận dụng những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp CNHT hiệu quả. Theo đó, các doanh nghiệp của Thành phố nỗ lực phát triển nếu thuộc nhóm sản phẩm chủ lực như cơ khí, điện tử, hoá dược, cao su – nhựa, chế biên tinh lương thực, thực phẩm, dệt may, cây trồng, sản phẩm chăn nuôi, sản phẩm thuỷ sản thì được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Cụ thể, các ưu đãi của Thành phố đã thực hiện như: thuê nhà đất công với giá ưu đãi, hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp trong vòng 7 năm, đào tạo nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp, hỗ trợ ứng dụng công nghệ phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ xúc tiến mở rộng thị trường. Sự kết hợp và lựa chọn sản phẩm chủ lực của TP. Hồ Chí Minh là nhằm tập trung hỗ trợ những lĩnh vực phát triển mạnh và giúp cho doanh nghiệp có nhiều thuận lợi phát triển đi lên.
Theo ý kiến chuyên gia, việc lựa chọn doanh nghiệp để thực hiện chính sách ưu đãi cần được thực hiện theo hướng dựa vào ý kiến của chuỗi sản xuất, của hiệp hội và hội nghề nghiệp sản phẩm để làm cơ sở lựa chọn cho sát với thực tế và yêu cầu đổi mới. Việt Nam đang trong xu thế thay đổi cấu trúc công nghiệp vì thế việc lựa chọn sản phẩm chủ lực phải hướng tới tương lai. Đây là cách tiếp cận gắn với nhu cầu thị trường và nền tảng công nghệ. Từ cách vận dụng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của TP. Hồ Chí Minh trong việc phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố là những kinh nghiệm quý báu trong việc tiếp cận các chính sách và nhân rộng ở các địa phương khác trên cả nước.
Phát triển hướng tới nhu cầu của thị trường
Trong bối cảnh thị trường đang có nhiều chuyển đổi của chuỗi cung ứng toàn cầu và dịch bệnh Covid-19 hoành hành với những diễn biến phức tạp, câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp CNHT có thể tận dụng cơ hội nay như thế nào? Theo Bà Trương Thị Chí Bình, trước nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam vẫn sẽ đáp ứng tốt nhất có thể theo yêu cầu của người mua. Tuy nhiên, nếu có sự hỗ trợ và định hướng của Chính phủ cả về nguồn lực vật chất lẫn khoa học công nghệ thì giá trị gia tăng mới có thể tăng mạnh được. Qua đó sản phẩm CNHT nước ta mới thâm nhập được chuỗi cung ứng toàn cầu, công nghệ mới có thể tạo ra giá trị cao được trong chuỗi này.
Việc lựa chọn các sản phẩm chủ lực để ưu tiên phát triển trên cơ sở nguồn lực còn hạn hẹp và cần phải có sự lựa chọn để các chính sách ưu đãi có hiệu quả cao nhất, được sắp xếp theo thứ bậc chứ không đầu tư dàn trải mà không mang lại hiệu quả.
Hiện nay, vấn đề thị trường rất quan trọng khi Việt Nam đã có những công ty đầu chuỗi khá mạnh như Vinfast, Vinsmart, Thaco… trong lĩnh vực chế tạo và hy vọng sẽ có nhiều đơn vị đầu tư vào lĩnh vực chế tạo cũng như các lĩnh vực xe máy điện hoặc ô tô điện sau này. Như vậy cơ hội để lựa chọn những lĩnh vực ưu tiên của CNHT sẽ nhiều hơn và không phải phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Lúc này, vai trò của Chính phủ càng được thể hiện rõ hơn trong việcphát CNHT trong nước và không phải phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, thị trường nguyên vật liệu cho ngành CNHT đang có nhiều biến động tăng về giá, ảnh hưởng dịch bệnh… là những khó khăn mà các doanh nghiệp CNHT đang gặp phải. Theo khảo sát của Hiệp hội CNHT Việt Nam vào tháng 5/2021, vấn đề nghiêm trọng nhất của các doanh nghiệp CNHT được khảo sát là tăng chi phí. Các chi phí của doanh nghiệp tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2020 (trên 80% số doanh nghiệp ghi nhận tăng chi phí, tỷ lệ tăng chi phí trên 50% lên tới 26%),đặc biệt, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của doanh nghiệp.
Để vượt qua những khó khăn hiện nay, trước hết các doanh nghiệp cần phải vượt qua được dịch bệnh theo cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, vấn đề các doanh nghiệp đang cần được tháo gỡ là Chính phủ cho sản xuất nhưng việc lưu thông hàng hoá lại bị cản trở. Khó khăn này không phải chủ trương của Chính phủ nhưng thay đổi thông báo hàng ngày được các cấp thực thi làm cho nó bị tác động rất nhiều và các doanh nghiệp thực hiện rất vất vả.
Việc các ngành, địa phương đưa ra các giải pháp cần đảm bảo tính khả thi cao. Đơn cử như việc chia ra luồng xanh, hay việc xác nhận luồng xanh trong vận tải hàng hoá được đưa ra nhưng khi triển khai thực hiện doanh nghiệp đăng ký thì phải đợi 3-4 ngày để chờ xác nhận vì mạng tắc nghẽn không làm được. Việc chậm trễ trong vận chuyển hàng gây ra những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp đã phải chịu nhiều khó khăn khác do dịch bệnh như tổ chức 3 tại chỗ, xét nghiệm cho người lao động… phát sinh nhiều chi phí. Thời điểm này, doanh nghiệp CNHT mong nhất là các cấp, các ngành tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hoá.
Mục tiêu chung đặt ra đến 2025, sản xuất các sản phẩm CNHT đáp ứng được 45% nhu cầu nội địa và chiếm khoảng 11% giá trị toàn ngành sản xuất công nghiệp, có khoảng 1000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Với những mục tiêu đặt ra, ngành CNHT đang cần được hỗ trợ đúng và trúng để ngày càng lớn mạnh hơn, cùng cả nước phát triển bền vững.
Vũ Trìu
Tạp chi Doanh nghiệp và Thương mại – Tháng 8/2021