Bốn nhiệm vụ lớn để giữ vững thành quả chống dịch

Đăng ngày: 11/11/2021 , 16:54 GMT+7

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 10/11,  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cần được nghiêm túc tiếp thu, từng bước khắc phục chắc chắn nhưng phải rất khẩn trương. Không thể để xảy ra một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa qua.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định dù tiêm đủ vaccine thì vẫn phải thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, thông điệp 5K. Ảnh: VGP

Hôm nay, khi cả nước thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19 thì tình hình đang khởi sắc. Cách đây 1 tháng, Việt Nam đứng cuối Bảng Chỉ số phục hồi COVID-19 của Nikkei dành cho 121 quốc gia, vùng lãnh thổ thì đến nay chúng ta đã ở vị trí giữa bảng. Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống lại “giặc COVID-19” vẫn tiếp diễn. Những ngày gần đây, số ca nhiễm vẫn tăng.

Khẩn trương khắc phục bất cập, hạn chế trong chống dịch

Là người trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 từ những ngày đầu, đã “nằm trong vùng dịch”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tất cả ý kiến của đại biểu Quốc hội về các bất cập, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch đều rất đúng. Có những vấn đề mới xuất hiện trong quá trình chống dịch, khi hệ thống y tế bị quá tải, nhưng cũng bộc lộ cả những thứ tồn tại từ trước, không chỉ trong ngành y tế mà cả trong công tác quản lý, điều hành xã hội nói chung.

“Những ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội cần được nghiêm túc tiếp thu, từng bước khắc phục chắc chắn nhưng phải rất khẩn trương. Không thể để xảy ra một đợt dịch gây đau thương, tổn thất lớn như vừa qua”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ lực lượng y tế, công an, quân đội mà toàn bộ các lực lượng ở TPHCM, các tỉnh có dịch đã vô cùng vất vả, đều bị quá tải. Có những phường ở Bình Dương có hơn 18.000 người nhiễm. Hay những tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long, dù số ca nhiễm ít nhưng cũng “căng hơn dây đàn” vì thiếu vaccine, hệ thống y tế rất yếu trong khi mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn người về từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.

“Giải quyết thông thoáng để bà con đi thì hôm sau bà con sẽ về nhiều hơn nhưng giữ lại thì người già, trẻ em có khi gặp mưa gió sẽ vô cùng day dứt. Tất cả các đồng chí lãnh đạo các tỉnh đều vô cùng day dứt, không ai yên lòng”, Phó Thủ tướng chia sẻ.

Tập trung tiêm vaccine trong 1 tháng tới

Để giữ vững thành quả chống dịch, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP và đang xây dựng chiến lược tổng thể ứng phó với dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm tới để phục hồi trong và sau COVID-19, trong đó có một số việc cần phải tập trung thực hiện.

Thứ nhất, chúng ta phải đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19. Người đã tiêm vaccine, dù mới 1 mũi, thì vẫn còn lây những sẽ chậm đi, tỷ lệ bệnh nhân bị nặng rất ít. Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Bộ Y tế đang đánh giá về vấn đề này, nhưng thực tiễn từ Bình Dương, Phú Thọ thì tỉ lệ người đã tiêm vaccine bị nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng rất thấp. Điều đó cho phép chúng ta bình tĩnh hơn trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi đã tiêm xong vaccine.

Phó Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội: Nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, hiện nay Việt Nam đã có đủ vaccine. Để tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi, các tỉnh miền Bắc còn thiếu 23 triệu liều và sẽ phân bổ đủ trong tuần thứ 4 của tháng 11. Các tỉnh miền Trung cần thêm 5 triệu liều và sẽ được phân bổ đủ trong tuần thứ 3 của tháng 11. Các tỉnh miền Nam cần thêm 4 triệu liều, khu vực Tây Nguyên cần thêm 2,5 triệu liều sẽ phân bổ toàn bộ trong tuần này.

“Trước đây chúng ta phải xem xét đối tượng nào tiêm trước, đối tượng nào tiêm sau thì bây giờ thực hiện tiêm gọn từng nơi theo hình thức cuốn chiếu và phải an toàn”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, Phó Thủ tướng khẳng định dù đã tiêm đủ vaccine thì vẫn phải thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, thông điệp 5K. “Ngay cả khi tiêm hết 100% người từ 12 tuổi thì mới chỉ chiếm 80% dân số, với hiệu lực bảo vệ của vaccine đạt khoảng 80% thì mới có khoảng 64% dân số được bảo vệ. Như vậy vẫn còn hàng triệu người có nguy cơ lây nhiễm”, Phó Thủ tướng phân tích và nêu rõ “nếu mỗi người không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, 5K trong sinh hoạt, trong sản xuất thì dịch sẽ tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người, dẫn đến quá tải hệ thống y tế”.

Thứ ba, khi đã tiêm vaccine thì hoạt động giám sát y tế phải được thực hiện thật nghiêm ngặt, nhất là những đối tượng có nguy cơ cao như người già, người có bệnh nền, trẻ em dưới 12 tuổi… Chúng ta phải chủ động được nguồn cung về các công nghệ, sinh phẩm xét nghiệm. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Chính phủ đã bàn về nguyên tắc, yêu cầu Bộ Y tế trình để mua sắm tập trung sinh phẩm xét nghiệm, chủ động phân phối cho các địa phương.

Khi xét nghiệm, phát hiện ca nhiễm thì thực hiện cách ly theo phương thức mới để thực sự là trạng thái bình thường mới như các nước châu Âu đang làm.

Thứ tư là phải chuẩn bị đủ các loại thuốc điều trị triệu chứng, kháng virus ngay từ sớm, thực hành dần điều trị tại nhà, giống như trước đây chúng ta đã thí điểm cách ly tại nhà, người dân tự lấy mẫu xét nghiệm.

Từ thực tiễn tại TPHCM, Phó Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục quán triệt, tập huấn, diễn tập năng lực chỉ huy, điều hành giữa tất cả các lực lượng phòng, chống dịch cho cán bộ quản lý cấp cơ sở, cấp huyện, nhất là trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng.

“Nếu làm tốt những việc này thì chúng ta sẽ tránh được tổn thất, phục hồi kinh tế. Một tháng tới đây là vô cùng quan trọng. Chúng ta tiêm vaccine thật nhanh thì sẽ vươn lên trong nhóm rất ít các nước có độ phủ vaccine lớn nhất trên thế giới và tranh thủ được thời cơ đó”, Phó Thủ tướng nói.

Chính quyền địa phương sắp xếp trung tâm y tế huyện

Làm rõ ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM cho rằng trung tâm y tế huyện đang trực thuộc Sở Y tế bộc lộ nhiều bất cập, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Trung ương đã có Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 20/NQ-TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số. Trong đó đã khẳng định, mỗi một huyện sẽ có một trung tâm y tế thực hiện chức năng dự phòng, điều trị, dân số, trừ những nơi có bệnh viện đạt tiêu chuẩn bệnh viện cấp 2; phải chịu sự điều hành, chỉ đạo về chuyên môn thống nhất của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương và sự quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn nghiêm túc thực hiện theo Nghị quyết của Trung ương.

Tuy nhiên, tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó có văn bản yêu cầu các địa phương để nguyên trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế. Việc này không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Vào cuối năm 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được phân công làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, đã bàn với Ban Cán sự về vấn đề này. Sau đó, Bộ Y tế đã có văn bản gửi tất cả UBND các tỉnh, thành phố, khẳng định, việc sắp xếp các trung tâm y tế huyện thuộc hoàn toàn thẩm quyền của chính quyền địa phương, thay thế tất cả các văn bản của Bộ Y tế trái với tinh thần này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TPHCM căn cứ vào văn bản này để thực hiện.

(Theo baochinhphu)

 

Đăng ngày: 11/11/2021 , 16:54 GMT+7

Tin liên quan