Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Hải quan
Thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, bám sát chỉ đạo điều hành kịp thời của Chính phủ và Bộ Tài chính với quan điểm kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, phát huy sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng với mục tiêu vừa đảm bảo triển khai quyết liệt các biện pháp chống dịch Covid-19, vừa tích cực hỗ trợ khơi thông hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo công tác quản lý hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó tập trung: tăng cường công tác cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, ứng dụng CNTT vào các khâu nghiệp vụ, đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Nhờ đó các lĩnh vực công tác của Tổng cục Hải quan đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 600 tỷ USD. Đây là sự kiện tiêu biểu của Ngành Hải quan, Bộ Tài chính nói riêng và của Việt Nam nói chung, góp phần làm cán cân thanh toán phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu
Về Cơ chế chính sách hỗ trợ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, ngày 09/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2011 Quy định về giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu ùn tắc hoặc có nguy cơ ùn tắc tại cảng biển nơi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Tổng cục đã tham mưu Bộ Tài chính trình Chính phủ: (i) Ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 11/9/2021 của Chính phủ về chính sách thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhập khẩu hoặc đã nhập khẩu để tài trợ cho Chính phủ, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, được áp dụng chính sách thuế nhập khẩu, thuế GTGT như hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại (thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, thuế GTGT). Tính đến 6/12/2021, số tiền thuế GTGT không thu là: 126,47 tỷ đồng, số tiền thuế nhập khẩu không thu là: 2,88 tỷ đồng; (ii) Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 10/2021/UBTVQH15 ngày 08/12/2021 về việc gia hạn thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa hàng miễn thuế, kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế, hàng hóa gửi kho ngoại quan đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19.
Trình Bộ Tài chính ban hành các quyết định miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Lũy kế số tiền thuế nhập khẩu được miễn đến 19/12/2021 là: 9,35 tỷ đồng.
Phối hợp xây dựng Báo cáo của Bộ Tài chính về rà soát, nhận diện đầy đủ các tồn tại, hạn chế của quy định pháp luật trước tác động mạnh mẽ, dài hạn của đại dịch Covid-19. Đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động của đại dịch Covid-19. Tổng cục Hải quan đang tích cực hoàn thiện dự thảo Thông tư về “Quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ yêu cầu khẩn cấp phòng, chống dịch Covid 19; nộp chứng từ thuộc hồ sơ hải quan và kiểm tra thực tế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19” để trình Bộ ban hành theo thủ tục rút gọn.
Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: (i) Chấp nhận cho doanh nghiệp được nộp chứng từ dưới dạng điện tử (bản scan có xác nhận bằng chữ ký số) thuộc hồ sơ hải quan để thông quan hàng hoá và thành lập các Tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc trực tiếp về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; (ii) Hướng dẫn xem xét việc không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn làm thủ tục hải quan do tình huống bất khả kháng; (iii) Tạm thời không tiến hành kiểm tra việc bảo quản hàng hoá tại địa điểm bảo quản hàng hóa thuộc các khu vực phong tỏa cho đến khi các khu vực này được dỡ bỏ phong toả; (iv) Phối hợp và hướng dẫn triển khai giải pháp giải tỏa tình trạng ùn tắc, quá tải tại cảng Cát Lái; (v) Tạm dừng tổ chức kiểm tra đánh giá tuân thủ đối với các Doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.
Chỉ đạo, hướng dẫn việc tạo điều kiện thuận lợi, thông quan nhanh các lô hàng vật tư, thiết bị y tế, thuốc tân dược, vắc-xin, sinh phẩm xét nghiệm… hàng hóa viện trợ, biếu, tặng từ nước ngoài hoặc hàng hóa do các tổ chức, cá nhân trong nước nhập khẩu để ủng hộ, hỗ trợ, tài trợ, biếu tặng cho Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh, thành phố, UBMTTQ tỉnh, thành phố để phục vụ yêu cầu khẩn cấp công tác phòng, chống dịch, điều trị, khám chữa bệnh.
Tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo đủ số lượng cần thiết cán bộ công chức tại các bộ phận nghiệp vụ có liên quan làm việc cả trong các ngày nghỉ, ngày lễ và ngoài giờ hành chính đảm bảo hoạt động thông quan liên tục, kịp thời, đúng quy định. Hỗ trợ thủ tục thông quan nhanh xuất khẩu nông sản qua các tỉnh biên giới phía Bắc (như chỉ đạo thực hiện thông quan ngay trong ngày; Bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu là nông sản qua cửa khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; ưu tiên, bố trí, sắp xếp các xe đã hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa trước được đi qua cửa khẩu sớm…).
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước đồng thời vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện chương trình nộp thuế 24/7, chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu. Đến nay, đã thực hiện ký thỏa thuận và triển khai nộp thuế điện tử với 44 ngân hàng phối hợp thu. Áp dụng CNTT để triển khai phương án truy cập hệ thống để làm việc từ xa đối với cán bộ, công chức, viên chức hải quan đảm bảo hiệu quả công việc trong thời gian giãn cách xã hội theo yêu cầu của Chính phủ.
Để đẩy nhanh công tác soi chiếu hàng hóa, các Chi cục Hải quan phối hợp, làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh cảng về thống nhất thực hiện phối hợp soi chiếu để theo dõi, cập nhật kịp thời các cont đã/chưa soi chiếu để đôn đốc, cũng như cập nhật kết quả soi chiếu để theo dõi nhằm đảm bảo thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp theo quy định.
Thông qua các biện pháp tạo thuận lợi trên, lực lượng Hải quan đã giải quyết thông quan nhanh chóng, thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đặc biệt đối với các lô hàng là vắc xin và các hàng hóa phục vụ phòng chống dịch Covid-19.
Triển khai thực hiện hải quan số; Mô hình Hải quan thông minh
Hệ thống thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng của đối với kinh tế, nhằm thực hiện 3 chiến lược đột phá mà Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII đề ra, trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành hải quan thực hiện là sớm hoàn thành việc xây dựng mô hình hải quan thông minh gồm 5 đặc trưng, 19 mục tiêu và 7 giải pháp.
Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ trên, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực, triển khai đề án với tinh thần trách nhiệm cao và đã hoàn thành khối lượng lớn công việc đặt ra. Ngày 22/9/2021, Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch thuê dịch vụ CNTT thực hiện Hải quan số tại Quyết định số 2439/QĐ-TCHQ. Theo đó, Hệ thống CNTT mới ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp theo đó, ngày 05/11/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định 2821/QĐ-TCHQ Thành lập Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng Bài toán nghiệp vụ hệ thống công nghệ thông tin theo kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số và Ban hành Kế hoạch làm việc của Tổ chuyên gia tư vấn. Hiện các thành viên tổ tư vấn đang tích cực làm việc tập trung theo đúng kế hoạch đã phê duyệt, quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng mô hình Hải quan thông minh tạo bước đột phá, nâng tầm phát triển của Hải quan Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan phát biểu tại Hội nghị
Công tác cải cách hành chính (CCHC)
Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC),Tổng cục Hải quan đã chủ trì soạn thảo, trình ban hành Quyết định 07/2021/QĐ-TTg ngày 02/3/2021, Thông tư số 82/2021/TT-BTC ngày 30/9/2021, theo đó, bổ sung quy định việc chuyển cửa khẩu đối với hàng nhập khẩu về làm thủ tục hải quan tại Cảng cạn ICD Long Biên; bổ sung quy định hàng hóa nhập khẩu đang lưu giữ tại cảng biển được vận chuyển về cảng biển khác, cảng cạn, ICD để lưu giữ nhằm hạn chế ùn tắc hàng hóa, phương tiện tại các cửa khẩu, cảng biển, qua đó rút ngắn thời gian so với thông quan tại cửa khẩu và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp.
Thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản cốt lõi trong lĩnh vực hải quan và các thông tư hướng dẫn, Tổng cục Hải quan đã đề xuất cắt giảm những chứng từ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết nhằm đơn giản hóa TTHC, xử lý các vướng mắc phát sinh.
Về kiểm soát TTHC, Tổng cục Hải quan đã thực hiện đánh giá tác động TTHC đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được phân công chủ trì soạn thảo có quy định TTHC, đặc biệt là dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục KTCL, kiểm tra KTATTP đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đánh giá độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại (Dự án TFP) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, khi Nghị định được triển khai sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Qua đó, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã trình Bộ Tài chính công bố 08 TTHC mới, 13 TTHC sửa đổi, bổ sung và 04 TTHC bãi bỏ.
Cùng với đó, hoàn thành việc rà soát, đề xuất xây dựng Đề án phân cấp giải quyết TTHC theo yêu cầu tại Thông báo số 673/TB-BTC ngày 01/10/2021 của Bộ Tài chính; công bố Chỉ số CCHC năm 2020 của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục và chỉ đạo các đơn vị thực hiện chấn chỉnh, khắc phục các tiêu chí thành phần bị trừ điểm của Chỉ số CCHC năm 2020.
Tính từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 15/12/2021, tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC của toàn ngành là 15,210,968 hồ sơ, trong đó 264,154 hồ sơ đã giải quyết trước hạn, 14,921,581 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, 25,233 hồ sơ đang giải quyết.
Về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia: Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021. Đồng thời, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Thông báo số 589/TB-BTC ngày 23/8/2021 của Bộ Tài chính về việc phân công nhiệm vụ triển khai thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đến nay phần lớn các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP đã được hoàn thành. Từ những kết quả đạt được, Tổng cục Hải quan giữ vững vị trí đứng đầu 05 năm liên tiếp trong số các đơn vị khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ về Chỉ số CCHC, đồng thời góp phần tăng điểm số Chỉ số CCHC (PAR INDEX) của Bộ Tài chính.
Công tác hiện đại hóa hải quan
Nhằm đẩy mạnh công tác hiện đại hóa Hải quan, Năm 2021, Tổng cục Hải quan triển khai xây dựng Kế hoạch cải cách hiện đại hóa Hải quan giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu chính là cơ bản hoàn thành Hải quan số với phạm vi chuyển đối số toàn diện các hoạt động hải quan trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó 3 trụ cột chính là mô hình nghiệp vụ hải quan hiện đại triển khai theo Quyết định 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính; Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; Mô hình quản trị nội bộ theo hướng văn phòng số. Hiện dự thảo Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa hải quan đang tiếp tục được hoàn thiện và trình Bộ Tài chính ban hành sau khi Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 được phê duyệt.
Để Cải cách nguồn nhân lực, trong năm 2021, Tổng cục hải quan đã Ban hành Kế hoạch đổi mới một số hoạt động Quản lý nguồn nhân lực theo năng lực dựa trên vị trí việc làm năm 2021. Xây dựng bộ đề đánh giá năng lực lãnh đạo quản lý cấp Phòng, Chi cục, cấp Đội và tương đương của Tổng cục Hải quan và bộ đề đánh giá năng lực công chức đối với 08 lĩnh vực nghiệp vụ chính.
Với mục tiêu đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua tác động của đại dịch Covid-19, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và các bên liên quan năm 2021. Theo đó, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan trong và sau dịch Covid-19; Tổ chức các hoạt động đối thoại, tham vấn doanh nghiệp; Tăng cường công tác giám sát thực thi pháp luật hải quan để đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật. Cùng với đó, ban hành Kế hoạch thực hiện khung tiêu chuẩn về an ninh và tạo thuận lợi thương mại (SAFE) của WCO giai đoạn 2021-2025; Tiến hành khảo sát Chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới.
Phối hợp với VCCI, TFP khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về thực hiện TTHC đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu năm 2020 gồm khảo sát toàn Ngành, khảo sát chuyên sâu 06 Cục Hải quan tỉnh, thành phố lớn và tổ chức Hội nghị công bố kết quả khảo sát.
Kết quả hiện đại hóa trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan: Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan tăng cường nghiên cứu triển khai công tác hiện đại hóa và trang cấp trang thiết bị hỗ trợ công tác kiểm tra, giám sát hải quan, như trang bị camera đeo người cho công chức thực hiện công tác kiểm tra thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; triển khai kết nối hệ thống barie điện tử; kết nối máy kiểm tra hóa chất cầm tay với hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan; triển khai thông tư tem điện tử và xây dựng quy trình quản lý tem điện tử và hệ thống quản lý việc mua bán, theo dõi tem rượu, thuốc lá điện tử; triển khai kiểm tra phóng xạ; trang bị bổ sung máy soi container; bổ sung mẫu niêm phong hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển bằng container; tăng cường công tác quản lý, sử dụng seal định vị điện tử. Đến ngày 15/12/2021 tổng số lượt sử dụng là: 18.313 lượt seal định vị. cụ thể đã mua sắm và đưa vào sử dụng 70 hệ thống camera giám sát; 03 máy soi container di động; 15 máy phát hiện ma túy; 10 máy soi hành lý, hàng hóa; 133 máy phát hiện ma túy cầm tay; 02 tàu loại 2, 03 ca nô và 03 tàu dầu; 03 phòng quan sát tại Cục Hải quan tỉnh Tây Ninh.
Đơn giản, tự động hóa quy trình thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại
Với vai trò là đầu mối giúp việc cho Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ theo Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg ngày 17/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
Về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia: Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến ngày 15/12/2021, có 235 TTHC của 13 Bộ, Ngành được chính thức triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia, với trên 4,7 triệu hồ sơ của hơn 51,5 nghìn doanh nghiệp tham gia.
Triển khai xây dựng Đề án tổng thể về xây dựng và phát triển Hệ thống công nghệ thông tin phục vụ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN theo định hướng xử lý tập trung: Với mục tiêu nhằm tái cấu trúc Cổng thông tin một cửa quốc gia đáp ứng yêu cầu trở thành điểm tiếp nhận và chia sẻ thông tin, dữ liệu, chứng từ điện tử cho tất cả các bên tham gia vào hoạt động thương mại xuyên biên giới, chuỗi cung ứng, logistics thông qua việc tập trung hóa dữ liệu và tập trung hóa việc xử lý dữ liệu. Tổng cục Hải quan triển khai nghiên cứu và hoàn thiện dự thảo Đề án khớp nối với tiến độ xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa để đồng bộ về cơ sở pháp lý và công cụ thực hiện.
Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN: Việt Nam đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN. Tính đến ngày 15/12/2021: số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 461.939 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 1.212.880 C/O (Riêng từ ngày 01/01/2021 đến 15/12/2021, số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 237.692 C/O; số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 896.407 C/O).
Hiện đang phối hợp với Ban thư ký và các nước ASEAN để triển khai kết nối trao đổi tờ khai Hải quan ASEAN theo đúng kế hoạch, lộ trình chung (dự kiến hoàn thành thử nghiệm trong tháng 12/2021).
Ngoài việc triển khai kết nối với các đối tác trong ASEAN, Tổng cục Hải quan tham mưu với Uỷ ban chỉ đạo quốc gia triển khai kết nối với đối tác ngoài ASEAN như Liên minh kinh tế Á-Âu, New Zealand: (i) Hoàn thành việc kiểm thử kỹ thuật kết nối và trao đổi thông điệp thử nghiệm tờ khai hải quan xuất khẩu và hoàn thành trao đổi thông tin thử nghiệm qua kênh truyền Internet mở cũng như hoàn thành thiết lập kênh kết nối an toàn với Liên minh kinh tế Á – Âu; (ii) phối hợp với Bộ Công Thương tiến hành đàm phán, thống nhất yêu cầu kỹ thuật xây dựng hệ thống trao đổi chứng nhận xuất xứ với Liên minh kinh tế Á – Âu, trao đổi thông tin C/O điện tử với Hàn Quốc; (iii) Triển khai “Thỏa thuận về việc tạo thuận lợi thông quan sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản thông qua việc sử dụng chứng nhận điện tử” giữa Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ các ngành cơ bản của New Zealand thông qua Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam.
Triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu
Ngay từ đầu năm, khi Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” được phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã tham mưu trình Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định trên. Theo đúng lộ trình Đề án, trong năm 2021, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn nhân lực, thời gian hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục KTCL và KTATTP đối với hàng hóa nhập khẩu (hiện đã trình Chính phủ phê duyệt). Nghị định là cơ sở cải cách thực chất công tác kiểm tra chuyên ngành (KTCN) đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa, phát huy trách nhiệm của các Bộ, ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ thay thế các quy định hiện hành về KTCL, KTATTP đối với hàng hóa nhập khẩu.
Với những nội dung cải cách quyết liệt đã được thể chế hóa tại dự thảo Nghị định, theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, khi Nghị định được triển khai thi hành sẽ có tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế: ước tính trong 01 năm tiết kiệm gần 1.400 tỷ đồng (xấp xỉ 60,1 triệu đô-la Mỹ) cho doanh nghiệp và 9.285 tỷ đồng (xấp xỉ 399 triệu đô la Mỹ) cho nền kinh tế.
Song song với việc xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đang xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và nâng cao nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu triển khai mô hình kiểm tra chuyên ngành mới khi Nghị định được ban hành và có hiệu lực. Đồng thời, tiến hành rà soát, sắp xếp nguồn nhân lực, củng cố, chuẩn hóa trang thiết bị của các đơn vị Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích, giám định, chứng nhận, kiểm nghiệm hàng hóa theo chỉ định của các Bộ quản lý chuyên ngành; Tổ chức đào tạo nâng cao năng lực cán bộ công chức thực hiện việc phân tích, giám định, chứng nhận, kiểm nghiệm hàng hóa đáp ứng yêu cầu, điều kiện theo mô hình cải cách mới; Xây dựng các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn là tổ chức chứng nhận/giám định hàng hóa, triển khai mở rộng vilas 870 theo danh mục quản lý chất lượng của Bộ quản lý Ngành, lĩnh vực; Tiến hành thí điểm kiểm tra đối với một số mẫu tự mua tại thị trường, các chỉ tiêu đã có chứng nhận theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và hoàn hành việc sửa đổi hệ thống ISO/IEC 17025: 2017 để tích hợp vào hệ thống ISO/IEC 17065: 2013.
Công tác kiểm tra, giám sát quản lý Hải quan
Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid- 19, song các hoạt động nâng cao hiệu lực kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của ngành Hải quan trong năm 2021 đã phát huy hiệu quả tích cực vừa tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý, kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm pháp luật về hải quan. Ngay từ đầu năm, nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế có nhiều diễn biến phức tạp, Tổng cục Hải quan đã kịp thời có chỉ đạo nâng cao hiệu lực kiểm tra, kiểm soát hải quan tại công văn số 119/TCHQ-GSQL ngày 11/01/2021.
Tổng cục Hải quan đã triển khai có hiệu quả các giải pháp như: (i) Nâng cấp hệ thống thông tin để cung cấp các chức năng phục vụ việc tiếp nhận, kiểm tra, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu nhằm tăng cường đồng bộ các giải pháp để kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng; (ii) Áp dụng linh hoạt các biện pháp kiểm soát rủi ro đối với các doanh nghiệp trọng điểm nhập khẩu trên cả 3 tuyến đường bộ, đường biển và đường hàng không; (iii) Ban hành quy định về định mức soi chiếu tối thiểu và triển khai giải pháp nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn, soi chiếu; (iv) Phối hợp với Bộ Công Thương xác nhận lượng hàng hóa tồn đọng để làm thủ tục thu hồi mã số kinh doanh tạm nhập tái xuất và hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất có sử dụng nhiều phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải.
Các giải pháp trên đã có tác dụng ngăn chặn tình trạng trốn giấy phép quá cảnh đối với hàng hóa quá cảnh có giấy phép. Phát hiện một số lô hàng có dấu hiệu vi phạm và thực hiện kiểm tra thực tế 100% tại cửa khẩu nhập. Số lượt container đưa vào soi chiếu và lượng container vi phạm được phát hiện qua soi chiếu đều tăng.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Hải quan tỉnh, thành phố xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHQ, kiểm tra, giám sát hải quan đối với: các tờ khai nhập khẩu ô tô, xe máy; rượu nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa; hàng xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ, hàng khai báo một lần, xuất khẩu, nhập khẩu nhiều lần; … Tăng cường quản lý đối với mặt hàng cá tầm nhập khẩu và hướng dẫn các Cục Hải địa phương thực hiện thống nhất chính sách và thủ tục nhập khẩu cá tầm; Tăng cường quản lý đối với hàng chuyển phát nhanh nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng chính sách để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế, KTCN. Đồng thời, xử lý vướng mắc đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là nguyên liệu có nguồn gốc thực vật dùng để sản xuất thực phẩm chức năng. Tăng cường quản lý xuất khẩu đá vôi và khoáng sản xuất khẩu.
Quản lý về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: (i) Ban hành Kế hoạch chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp năm 2021 ; (ii) Hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố giải quyết vướng mắc liên quan đến C/O mẫu D trên cơ sở kết quả phiên họp Tiểu ban quy tắc xuất xứ lần thứ 35 thực thi Hiệp định ATIGA , thực hiện từ chối C/O mẫu AI quá thời hạn xác minh , vướng mắc liên quan đến C/O mẫu D trên cơ sở kết quả phiên họp Tiểu ban quy tắc xuất xứ lần thứ 35 thực thi Hiệp định ATIGA , đồng thời xử lý tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp khi thực thi Hiệp định Việt Nam-Vương quốc Anh và Bắc Ailen; Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA…; Rà soát các mặt hàng nguy cơ gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, vi phạm sở hữu trí tuệ để áp dụng các biện pháp đấu tranh, điều tra, làm rõ hành vi vi phạm cụ thể như: mặt hàng mía đường, điều thô nhập khẩu và nhãn hiệu thuốc lá Astro, Luffman.
Nâng cao hiệu quả Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động: (i) Đối với đường hàng không đã triển khai tại Sân bay Quốc tế Nội Bài với 03 kho hàng và Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất từ tháng 04/2021 với 02 kho hàng; (ii) Đối với giám sát đường bộ: Tổng cục Hải quan thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đường bộ, đặc biệt là với hàng bách hóa tiêu dùng, trong đó có việc khai báo thông tin trước khi hàng hóa đến cửa khẩu biên giới đường bộ, đường thủy nội địa.
Để ngăn chặn từ xa tình trạng hàng hóa tồn đọng và hàng hóa là phế liệu nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã triển khai áp dụng các giải pháp không cho phép dỡ hàng xuống cảng đối với hàng hóa là chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu. Qua đó, tạo cho doanh nghiệp chủ động trong việc chỉ nhập khẩu vào Việt Nam các lô hàng phế liệu đáp ứng các điều kiện quy định, không còn hiện tượng vận chuyển chất thải, phế liệu không đáp ứng các quy định sau đó từ bỏ, gây tồn đọng tại cảng biển.
Công tác thu NSNN
Năm 2021, Tổng cục Hải quan được Quốc hội giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 128/2020/QH14 là 315.000 tỷ đồng, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính giao chỉ tiêu phấn đấu thu NSNN năm 2021 là 335.000 tỷ đồng. Tổng thu NSNN năm 2021 ước đạt 370.000 tỷ đồng bằng 117,46% dự toán thu NSNN (315.000 tỷ đồng), bằng 110,45% chỉ tiêu phấn đấu (335.000 tỷ đồng), tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân số thu NSNN năm 2021 tăng là do: Một số mặt hàng có số thu lớn do giá tăng mạnh làm trị giá nhập khẩu cũng tăng, đồng thời tăng thu ngân sách do giá tăng như: dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu, xăng dầu nhập khẩu, khí đốt hóa lỏng nhập khẩu tăng khoảng 7.500 tỷ đồng; sắt thép, quặng sắt, các sản phẩm sắt thép nhập khẩu làm tăng khoảng 11.700 tỷ đồng; chất dẻo nguyên liệu nhập khẩu tăng khoảng 3.900 tỷ đồng; quặng và khoáng sản nhập khẩu tăng thu khoảng 3.000 tỷ đồng; than nhập khẩu tăng thu khoảng 3.600 tỷ đồng; Lượng ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu tăng gấp 1,6 lần làm tăng thu từ mặt hàng này khoảng 14.300 tỷ đồng; Nhiều dự án điện mặt trời, điện gió được triển khai làm tăng thu đột biến từ linh kiện, máy móc thiết bị phục vụ dự án khoảng 8.300 tỷ đồng.
Kết quả thu NSNN của ngành Hải quan năm 2021 so với cùng kỳ năm 2020 (tỷ đồng)
Xác định nhiệm vụ thu NSNN là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của toàn ngành, ngay từ đầu năm Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 215/CT-TCHQ ngày 15/01/2021 về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chống thất thu NSNN; công văn 119/TCHQ-GSQL ngày 11/1/2021 nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hải quan. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, các giải pháp chống gian lận thương mại, chống thất thu...mang lại kết quả đáng kể đóng góp vào NSNN.
Để ngăn chặn hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT, ngày 21/9/2021, Tổng cục Hải quan đã ban hành công văn số 4539/TCHQ-TXNK yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tăng cường thu thập thông tin, xác định dấu hiệu rủi ro để có biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát… Đồng thời phối hợp với cơ quan Thuế nội địa và các lực lượng khác trong đấu tranh ngăn chặn gian lận hoàn thuế GTGT...
PV.