Những kết quả tích cực từ CNHT
Ngành CNHT của nước ta đã có những bước phát triển tích cực, song còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu đề ra, chưa đáp ứng được yêu cầu về cung cấp linh kiện cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Với lĩnh vực cơ khí, việc phát triển CNHT gắn với sản xuất ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt có vai trò quan trọng, là nền tảng để phát triển bền vững, giảm chi phí đầu tư. CNHT (nhất là lĩnh vực cơ khí, chế tạo) đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, bởi nó không chỉ cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp khác, giảm thiểu tác động bất lợi từ biến động bên ngoài, mà còn tạo ra giá trị gia tăng bền vững, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng tự chủ của các sản phẩm công nghiệp, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Nhìn lại chặng đường phát triển CNHT ở nước ta thời gian qua, một số ngành có tỷ lệ nội địa hóa cao như sản xuất xe máy, có loại tới 60-70%, thậm chí 90%, song nhìn chung tỷ lệ nội địa hóa nhiều sản phẩm còn thấp, phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu và linh kiện nhập khẩu, trong đó ngành dệt may nhập 70-80%, ngành ô tô đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 7-10%, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu 60% đặt ra từ năm 2010. Doanh nghiệp trong nước chiếm tới 2/3 số cơ sở sản xuất, sử dụng 60% lực lượng lao động, song chỉ chiếm chưa đầy 10% vốn đầu tư.
Trong những năm gần đây, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự phát triển ngày càng tốt hơn của các doanh nghiệp CNHT trong nước, lĩnh vực CNHT có nhiều cơ hội để phát triển đi lên, ngày càng khẳng định vai trò vị thế của mình trong tiến trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. CNHT Việt Nam có cơ hội đi tắt, đón đầu, phát triển đột phá khi có nhiều quyết sách lớn như Nghị quyết 29 năm 2022 của Trung ương, Nghị quyết 23 năm 2018 cùng với Nghị quyết 57 năm 2024 của Bộ Chính trị và Đề án phát triển kinh tế tư nhân đang dần tạo ra môi trường thuận lợi để doanh nghiệp CNHT Việt Nam phát triển.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cấp quốc gia đã định hướng phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, với nhiều lợi thế về không gian kinh tế, kết nối, phát triển mọi loại hình giao thông, tập trung vào các ngành sản xuất công nghiệp, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại và logistics. Quy hoạch đồng bằng sông Hồng được định hướng phát triển theo vùng động lực và cực tăng trưởng, tập trung phát triển công nghiệp điện tử, trí tuệ nhân tạo, sản xuất ô tô, công nghiệp hỗ trợ. Trong khi đó, quy hoạch tỉnh Quảng Ninh cũng có 6/8 cụm công nghiệp đã thành lập và 12/28 cụm công nghiệp được quy hoạch thành lập gắn với lĩnh vực cơ khí.
Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển CNHT thuận lợi nhất
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước.
Bộ Công Thương, với chức năng là Cơ quan quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, đang được giao xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111 về phát triển CNHT và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là những nội dung quan trọng, có tính thời sự thiết thực không chỉ đối với sự phát triển của ngành Công Thương mà còn đối với sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo xây dựng và thực thi nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi; tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ô tô và công nghiệp đường sắt trong nước và đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Song cũng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, cũng như chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Để phát triển mạnh mẽ và bền vững ngành CNHT, đặc biệt là cơ khí, các chính sách cần thiết phải có những đột phá để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tham gia phát triển CNHT. Đồng thời, có các giải pháp mới về ưu đãi thuế, đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào phát triển CNHT. Nhất là nâng cao năng lực mọi mặt của doanh nghiệp CNHT, hướng đến xây dựng các doanh nghiệp mạnh của đất nước; tạo điều kiện để các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia các dự án trọng điểm quốc gia; hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp và chuỗi cung ứng nội địa vững mạnh, từ đó phát triển ngành CNHT.
Bênh cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách vượt trội để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Việc quy hoạch nguồn nhân lực và xây dựng các chương trình đào tạo phải đón đầu và bắt kịp các xu thế phát triển, gắn chặt với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong "kỷ nguyên mới"; khuyến khích các mô hình hợp tác quốc tế về phát triển nguồn nhân lực gắn với CNHT. Các chương trình, dự án về CNHT phải có sản phẩm cụ thể và phải có tính lan toả tích cực. Các đề án, đề tài được đầu tư thời gian tới cần được nghiên cứu đưa ra trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm từ quá trình triển khai Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016-2025 để có tính khả thi, hiệu quả cao, có trọng tâm, trọng điểm.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài thông qua việc triển khai mạnh mẽ "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao tập đoàn" nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận, nhận chuyển giao công nghệ cao, tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Việc phát triển mạnh mẽ CNHT ngành cơ khí phục vụ phát triển công nghiệp ô tô, công nghiệp đường sắt sẽ là một trong những hướng phát triển chiến lược góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa của đất nước./.
Vũ Trìu